Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

SUY NGHIỆM VỀ LỄ GIÁNG SINH



HOÀNG MAI

Hơn hai ngàn năm trước, vào một đêm đông giá lạnh, khi vạn vật còn lặng chìm trong màn đêm tĩnh mịch, mọi người đang say sưa trong giấc nồng. Chúa Hài Nhi đã ra đời trong máng cỏ tại Bê-lem, thuộc xứ Giu-đê, thành Đa-vít bên cạnh Mẹ Ma-ri-a, dưỡng phụ Giu-se và các con chiên hiền lành.

Trước ngày Chúa Hài Nhi ra đời, sứ thần đã loan báo: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” (Lu-ca 1: 30-31)

Sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” (Mát-thêu 1: 21)

Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô. Ki-tô tức là Khristos (tiếng Hy Lạp), dịch từ Messiah (tiếng Hebrew) nghĩa là đấng được xức dầu. Theo tín ngưỡng dân Do Thái, đấng được xức dầu cũng là đấng được thánh hiến, được Thiên Chúa tuyển chọn với sứ mạng đem hạnh phúc đến cho họ.

Khi hành lễ người Công Giáo thường xưng tụng “Emmanuel” nghĩa là “Chúa ở cùng chúng ta” để chỉ tình yêu Chúa luôn luôn gắn bó với con người.

Xuất phát từ tình yêu vô biên vô tận, Chúa Giê-su đã đến với con người một cách âm thầm lặng lẽ giữa đêm khuya với hiện thân một hài nhi bọc tã nằm trong máng cỏ đơn sơ, nghèo nàn trong tiết đông thiên băng giá lạnh lùng. Để kỷ niệm và tôn vinh ngày Chúa giáng sinh, từ thế kỷ thứ Tư Giáo Hội La Mã đã ăn mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Chạp, tức là vài ngày sau tiết Đông Chí. Vấn đề đặt ra ở đây là Chúa ra đời vào mùa đông, tiết Đông Chí hàm chứa ý nghĩa gì?

Đông Chí và ý nghĩa tiềm phục

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Thọ trong Chu Dịch Giảng Bình:

- Xét về phương diện Dịch số, ngày Đông Chí là ngày mà vầng dương như dừng gót lại để trở về sống gần gũi với trời đất và vạn vật hơn, bỏ bộ mặt lạnh lùng để mặc lấy một hình dung, một thái độ đầm ấm hơn.

- Đông Chí ứng theo Dịch lý là quẻ Phục.

Về phương diện tiết khí, quẻ Phục là lúc sinh khí phục hồi trong ngày Đông Chí, khi mà vạn vật trên mặt đất như đang muốn chết cóng vì gió sương, băng tuyết thì ở dưới lòng đất dương khí phục sinh để chuẩn bị cho trần gian một mùa xuân mới, đem cho vạn vật một nguồn sinh khí mới.

Về phương diện tâm linh, quẻ Phục là thời kỳ con người quay về quan sát lòng mình để trở nên minh linh, giác ngộ, biết trong lòng mình sẵn có Trời – như Thánh Augustino nói “Chúa ở trong con còn sâu hơn con ở trong con.” – và nhất là thấy được tấm lòng trời đất bao la (phục kỳ kiến thiên địa chi tâm).

Chúa đến với con người để thể hiện tình yêu của mình qua Chúa Hài Nhi giáng sinh vào đêm Đông, vào mùa phục để hứa hẹn một vận hội hanh thông sắp mở màn, một chương trình cứu độ của Chúa sắp thực thi.

- Mùa Đông là phục của một năm. Đêm trường tĩnh mịch là lúc phục của một ngày. Con người trọng ở chỗ biết phục; phục cốt ở chỗ tĩnh; tĩnh rồi mới có thể cảm thông, hòa hài với vũ trụ, đất trời.

Thanh tĩnh là yếu tố hiệp thông với Thiên Chúa

Chúa Hài Nhi ra đời trong:

Đêm thanh tĩnh mịch như tờ,

Gió hiu hiu thổi, tuyết mờ mờ bay.

Chính cái cảnh đêm khuya tối tăm mới làm nổi bật ánh sáng chói ngời của vầng thiên điển vinh quang Thiên Chúa tỏa ra. Chính cảnh đêm tối mịt mờ mới thấy giá trị của ngôi sao trời đưa đường dẫn lối cho ba đạo sĩ (ở đây hiểu là ba chiêm tinh gia vì các ngài nhìn và đoán được ý nghĩa của sao trời). Ba đạo sĩ là những người ngoại giáo, từ phương Đông đến tìm Chúa Hài Nhi để lễ bái với niềm tin vua Do Thái, Đấng cứu độ của nhân loài vừa xuất hiện. Chứng tỏ thiên hạ đang trông chờ đấng cứu thế sắp đến và cuộc cứu thế của Chúa sẽ rộng lan khắp nơi.

Đêm tối thanh tĩnh không những làm rõ sự soi sáng của sao trời, mà còn làm vang động khắp nơi những lời hát tán dương vinh quang của đội binh Thiên quốc đến chúc tụng Chúa ra đời.

Đêm khuya thanh tĩnh cũng là lúc tâm tư của con người lắng đọng. Chính lúc đó là giao điểm để con người và Trời gặp gỡ nhau tượng trưng qua thiên thần của Thiên Chúa hiện xuống gặp các mục đồng là những người địa vị bé thấp trong xã hội, làm nổi bật lòng thương yêu và thể hiện đức khiêm tốn của Thiên Chúa để chúng ta noi theo.

Sau nầy Đức Giê-su thường hay một mình lên núi đêm khuya hoặc tìm nơi vắng vẻ để cầu nguyện Chúa Cha, vì sự yên tịnh vắng vẻ bên ngoài tạo điều kiện cho sự yên lặng bên trong nội tâm chúng ta.

Thế nên Đức Chí Tôn có dạy: “Yên lặng tức là quán triệt tất cả những cái gì mà trần gian không nói được, không nghe thấy được. Yên lặng để điều ngự khỏi truân chuyên, yên lặng để chuyển phong ba trở thành bình địa. Sự yên lặng để thần giao cách cảm, để các con tìm thấy con trong Thầy và Thầy hằng ngự trị với đức hiếu sinh trong vạn vật.” *

Đức hiếu sinh của Thượng Đế đã thể hiện một cách cụ thể là Ngài đã cho con một của Ngài xuống thế gian trong cảnh nghèo nàn nhất của con người nơi trần thế. Nơi Chúa Giê-su hài nhi đã thể hiện “Sự hợp nhất giữa bản tính cao cả thần linh và bản tính thấp kém của nhân loại, và điều đó vì mục đích cứu thế.” [1]

Giáng sinh trong nghèo nàn là tình yêu của Thiên Chúa

Chúng ta thử suy nghiệm hình ảnh Chúa Hài Nhi quấn tả, nằm trong máng cỏ trong tiết Đông thiên lạnh lùng băng giá. Có sự sống nào yếu đuối, mong manh như một hài nhi mới sanh ra đời, chỉ đủ sức để khóc và để bú mà thôi? Thế mà sự sống mong manh yếu đuối ấy được ra đời trong sự éo le của hoàn cảnh cha mẹ không tìm được chỗ trọ đêm ở Bê-lem trên đường di tản về nguyên quán, và trong sự khắc nghiệt của thời tiết đêm Đông. Mùa Đông tuyết phủ khắp nơi, mọi người đều quây quần bên lò sưởi hay nằm co trong những chiếc áo bông dày cộm, trong nệm ấm chăn êm, trong khi Chúa Hài Nhi chỉ có miếng tả bọc thân, đặt trong máng cỏ, bên mẹ Ma-ri-a và dưỡng phụ Giu-se. Những nhân chứng đầu tiên đến mừng sự ra đời của Ngài là những mục tử nghèo hèn, vô danh tiểu tốt, không được xã hội coi trọng. Đây là một bắt đầu cho cuộc cách mạng của Chúa Giê-su, đưa con người trở về nhân vị, nhân phẩm và cuối cùng là trở về hiệp thông với Thiên Chúa hằng sống.

Quả thật, đời sống của Chúa là yêu thương là gần gũi với những trẻ thơ yếu đuối, những người nghèo hèn, những người tội lỗi, kể cả những con người bị xã hội rẻ khinh như những cô gái bán phấn buôn hương, cũng đều được Ngài quan tâm giúp đỡ.

Đặc biệt, trước lễ Vượt Qua, tức là trước ngày Chúa tử nạn, Chúa đã hạ mình rửa chân cho các môn đệ của Ngài để nhắc nhở các môn đệ thực hiện đức khiêm tốn trong việc phục vụ tha nhân, tức là tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và thương yêu lẫn nhau bằng cách rửa chân cho nhau. Tình yêu của Ngài xuất phát từ con tim nhân từ, đầy lòng bác ái được thể hiện qua lời dạy của Thánh Phao-lô: “Hãy chúc lành cho những người bắt bớ anh em, chúc lành chứ đừng nguyền rủa; vui với người vui, khóc với nguòi khóc.” (Rô-ma 12: 14-15) [2]

Ngài khóc vì thương yêu chúng sanh, những giọt lệ Ngài không chỉ tuôn rơi trên đôi mắt yêu thương nhân loại của Ngài, mà còn tuôn rơi bằng những giọt máu hồng từ trong trái tim nhân ái, khi thọ cực hình để chuộc tội cho nhân loại. Ngài đã giáng cơ dạy như sau:

. . . Vì thương nhân loại Chúa Cha công bình.

Dụng con một hy sinh xuống thế,

Chuộc tội chung toàn thể nhân loài,

Thân ta bao quản đắng cay,

Máu hồng chuộc tội cứu rày nhơn sanh.

Thập tự giá thân đành chịu đóng,

Ta chết vì sự sống loài người,

Chết vì công nghĩa trên đời,

Chết vì sứ mạng Cha Trời phó giao.

Ta chịu đổ máu đào chuộc tội,

Cho nhân loài tự hối ăn năn,

Hồi tâm hướng thiện quy căn,

Trở về Đạo chánh hóa hoằng nhơn tâm.[3]

Nước mắt chúng sanh tuôn rơi trên dòng bể khổ. Ngày nào nước mắt chúng sanh còn rơi là ngày ấy Ngài vẫn không yên lòng ngự nơi cõi Thiên Đàng.

Nhân loại ngày nay hãy còn nhiều đau thương nên Ngài vẫn đến với chúng ta. Những ngôi sao ngày xưa soi sáng trên vòm trời Bê-lem, giờ đây vẫn hiện diện soi sáng thế giới. Thế mà vẫn còn nhiều dân tộc phải chịu thương đau của cảnh chiến tranh giày xéo, người bóc lột người, do chưa học thuộc và thực hành bài học thương yêu quý giá.

Chúng ta hãy cùng lắng nghe lời dạy tha thiết của Ngài:

Ta đến với một mùa Đông đầy giá rét,

Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài,

Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,

Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.

Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,

Sống muôn đời và sống mãi muôn đời,

Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.[4]

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị trong Kỳ Ba để một lần nữa đem con người trở về sự bình an trong tình yêu thương chân thật.

Ngày xưa Chúa Giê-su đã: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, / Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lu-ca 2: 14) Ngày nay Ngài vẫn tiếp tục dẫn dắt đoàn người sứ mạng thực hành sự thương yêu đem đến sự bình an thật sự cho con người. Ngài dạy:

“Con người vô tình hoặc cố tâm đánh mất giá trị tinh thần bằng khả năng vật chất. Sự phá giá tinh thần đang tràn ngập ở mọi chiều hướng, mọi tư duy. Người tôn giáo thật sự không khỏi chau mày cho cuộc đời đen tối sắp đến.

“Cái an lạc và thanh bình không tự do nơi nào đem đến, chỉ có bản thân cùng tâm linh mỗi cá nhan gầy dựng khi khai triển đúng mức. Trong khi tâm thần con người đang hồi băng hoại thì biến cố vật chất càng mạnh mẽ thêm. Sự chia rẽ là một căn bịnh nan y, khó mà tìm được thần y hàn gắn lại, chỉ có phương pháp của Cha ta ban cho: thương yêu siêu việt mới đủ điều kiện giải thoát con người ra khỏi chứng bịnh hiểm nghèo đó. Chia rẽ phân cách là kết quả của lòng ngã chấp mà tự bao giờ cho đến bây giờ nền giáo dục đời cũng như tôn giáo đã lợi dụng, triệt để nhồi nắn con người trở thành công cụ. Cái thiên lệch của giáo dục đóng khung, cái thôi miên lợi dụng theo thời gian tạo một sợi dây vô hình buộc con người trong bối cảnh của cuộc đời và bối cảnh tôn giáo. Hưởng thụ nền giáo dục ấy là hậu quả của sự kiện phân tranh.

“Ngày nay khi con người thốt lên một tư tưởng, một ý định, cứ cho rằng đó là một tự do tự quyết, nhưng thực tế cái mầm nô lệ còn phủ trùm nền giáo dục trên con người mà chủ thể không hay không biết, không biết đâu phải là không có...

“Ta muốn bảo, thương yêu là cái thuần khiết, du lưu trong mọi thời, trong mọi sự kiện, chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên thần thánh cách biệt con người và vạn loại.

“Quả thật ta không bảo chư hiền hằng ngày bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu.” [5]

Qua lời dạy trên, con người chỉ có bình an khi trở về nhân bản là nguồn gốc của con người. Về nguồn gốc thiêng liêng, mỗi người đều có Thượng Đế Tính từ gốc Thượng Đế phát ban. Con người chỉ bình an khi đáp ứng và quân bình được nhu cầu của đời sống vật chất và tinh thần, xoá bỏ giai cấp, xóa bỏ cảnh người bóc lột người và tôn trọng sự sống con người trong sự an lạc và tiến bộ. Con người chỉ bình an khi sống trong một quốc gia mà chính quyền lấy sự công bình, công chính làm đường lối và đức hy sinh làm phương tiện và tình yêu làm cứu cánh như lời dạy sau đây của Đức Chúa:

Chính ta đã hiến mình thọ khổ,

Cho loài người biết rõ công bình,

Dù rằng Giáo Chủ toàn linh,

Cũng do cái luật công bình mà thôi.

Nước Locride có người Hoàng đế,

Luật công bình xử chế nghiêm minh,

Ban ra chỉ dụ triều đình,

Phạm pháp móc mắt, luật hình không sai.

Tội phạm trước không ai đâu lạ,

Là con vua sang cả hoàng thân,

Zénécus khó định phân,

Nỗi lòng bất nhẫn trước cân công bình.

Đành lặng lẽ tự mình móc mắt,

Mắt của mình và mắt của con,

Đôi tròng đủ trước bệ son,

Cho nghiêm phép nước cho còn tình thương.

Ta là một trong trường nhơn loại,

Cùng thế gian Ta phải gánh gồng,

Thà cam chịu đổ máu hồng,

Gương hy sinh để nhắc lòng hy sinh.[6]

Con người chỉ bình an khi mọi tôn giáo của nhân loại không còn tranh chấp, rẽ chia. Sở dĩ xã hội nhân loại gặp cảnh dầu sôi, lửa bỏng cũng do sự bất hòa từ sự việc nhỏ lần lần lan rộng đến sự việc lớn. Thế nên, con người tôn giáo chơn chánh là ngọn đuốc soi tỏ trong đêm tối, dẫn dắt nhân sanh ra khỏi cảnh hố sâu vực thẳm của tình đời. Muốn được thế, con người tôn giáo cần mở rộng tầm hướng suy tư để cho tôn giáo có sự tôn trọng lẫn nhau.

Trở lại với sứ mạng của dân tộc được chọn, Đức Giê-su đã ân cần dặn dò:

“Hỡi dân tộc được chọn! Hỡi dân tộc được thương yêu! Này chư hiền nam nữ! Quốc gia này còn tan tác là dân tộc này chưa vừa ý trong sứ mạng của Thượng Đế Chí Tôn.

“Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát, chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí. Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau.

“Ta nói với chư hiền: Chính sự giày vò của tâm tư, sự nhọc nhằn của thể xác, sự gò ép, sự chết chóc sẽ điểm đạo cho hàng Thiên mạng. Xem gương Ta đi trước mà mạnh bước vượt qua rừng sầu bể khổ. Ta đến với nhơn sinh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong gió rét đêm đông.

“Có người đã bảo chư hiền: Không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt sự đắm chìm của nhân loại.

“Hỡi chư hiền của dân tộc được chọn! Sứ mạng mà chư hiền được Chí Tôn giao phó, không phải là người vun phân, mà là người gieo giống. Sự quan trọng không phải những điều kiện khởi phát mà là mầm khởi phát.

“Kìa xem quá khứ, hiện tại và tương lai. Có bao giờ Ta ngự trên ngai vàng vua Do Thái. Chính cái ngai vàng Đa-vít đã vùi chôn về cho Đa-vít, mà cái tâm tư của nhân sinh âu vẫn là ngai vàng bất diệt. Hãy noi gương ta mà hành tròn sứ mạng.

“Hỡi dân tộc được hiến dâng! Đừng mê ngủ,đừng say đắm, đừng mơ màng trong bóng tối đêm đông. Hãy bừng tỉnh, hãy đợi chờ ánh xuân quang đến khi không ai ngờ đến.

“Sứ mạng của kẻ chăn chiên trong mùa đông là canh chừng. Phải hiền từ hơn tất cả kẻ hiền từ, phải khôn ngoan hơn tất cả sự khôn ngoan. Cái lạnh lùng nó ru ngủ con người trong mê dại để rồi đi vào cõi chết. Chỉ có những kẻ tỉnh mới thoát khỏi quyến rũ của giá lạnh đêm đông.

“Kìa đàn chó sói đói khát đang rình rập chư hiền và đàn chiên trong mọi lối. Hãy cố gắng lên! Lấy sức mạnh của người được đặt để, đem dũng cảm của người dọn đường mà hành đạo.

“Chư hiền nên lưu ý: Sứ mạng vẫn là sứ mạng. Kẻ được chọn vẫn là được chọn. Nên lấy quá khứ để làm đà tiến, đem hiện tại để làm phương tiện, lấy tương lai làm cứu cánh. Càng bão tố phũ phàng, càng biểu dương tinh thần của kẻ vững lèo vững lái. Sự nhứt tâm trong sứ mạng, sự đoàn kết trong thực hành sẽ giúp chư hiền vượt qua muôn ngàn thử thách.

Đừng dại dột phân tranh trên phi cơ khi gió loạn. Ngoại cảnh phũ phàng, nội bộ điên nguy sẽ đua nhau nhận chư hiền đắm chìm trong phong đô hỏa ngục.

Hỡi chư hiền! Hãy thương những người đi trước chư hiền, vì nhờ đó mới có vết chưn đi trước. Hãy thương những bực đi sau chư hiền, vì nhờ đó mới có vết chưn đi sau. Nhạc trùng dương không bao giờ dứt vì mọi làn sóng cứ kế tục theo nhau ngày đêm chẳng cách ngăn rời rạc.

Cuối cùng ta muốn nói với chư hiền về Thiên mạng vi nhân. Hãy làm con chiên khôn ngoan hơn là làm người chăn chiên u tối. Giá rét nào không trở lại mùa Đông, sứ mạng nào không trao cho người đã chọn.” [7]

*

Qua một vài suy nghiệm về lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nghe lại những lời Chúa dạy đầy thương yêu, tha thiết. Chúa nhắc nhở chúng ta hãy làm tròn sứ mạng của dân tộc được chọn. Để cảm tạ tình yêu của Ngài, không gì hơn thành tâm hướng về Đức Giê-su với tâm nguyện hiến dâng thực hành theo ý Chúa, theo nguyện vọng Đức Cao Đài qua lời Thánh Phan-xi-cô: “Lạy Chúa từ nhân, Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mỗi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nguy nan, đem trông cậy vào nơi thất vọng. Để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem ủi an đến chốn u sầu.”

HOÀNG MAI

[1] Linh mục Đinh Văn Trung, Chiêm Ngưỡng Thầy Chí Thánh.

[2] Linh mục Đinh Văn Trung, Chiêm Ngưỡng Thầy Chí Thánh.

[3] Thánh thất Bình Hòa, 16-8 Canh Tuất (16-9-1970).

[4] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[5] Thánh thất Bàu Sen, 17-11 Kỷ Dậu (25-12-1969).

[6] Huờn Cung Đàn, 03-02 Ất Tỵ (05-3-1965).

[7] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

Không có nhận xét nào: