Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

CHÚA GIÊ-SU VÀ CON TRẺ


LẬP HẠNH

Đức Chúa Giê-su đã dạy các môn đồ nhiều điều liên quan đến thiếu nhi và đồng thời cũng tương đồng quan điểm với giáo lý các tôn giáo khác, kể cả Cao Đài.

Chúng ta có thể tìm hiểu các đoạn sau đây trong Kinh Thánh Tân Ước:

1. Mát-thêu (18: 1-5)

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giê-su rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước Trời?’ Ðức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: ‘Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.”

Trong giáo lý Cao Đài, chúng ta thường được các Đấng Thiêng Liêng dạy phải luyện tập cho tánh tình trở lại hồn nhiên, vô tư như đứa bé. Nó nhìn ngó sự vật chung quanh mà tâm không hề nảy sinh những tình cảm ưa ghét, giận vui, không hề biểu lộ một sự nghĩ suy, toan tính.

Đức Đông Phương Lão Tổ dạy: “Hãy xem cái nhìn đứa hài nhi xích tử [1] với nụ cười mà ai nhìn cũng dễ thương vì chính nó không biểu lộ ý nào khác hơn sự vô tư hồn nhiên của nó. Nó không có ý nghĩ đến giây phút sẽ đến để chờ đợi.” [2]

Đức Quan Âm cũng dạy tương tự: “Hãy nhìn xem một đứa hài nhi vừa thoát khỏi thai bào còn bản chất thiên lương trong sạch nào biết những vui buồn, thương ghét, ham muốn hoặc chán nản... Đến tuổi trưởng thành, bước chân vào ngưỡng cửa đời thì bao nhiêu hoàn cảnh bên ngoài chói sáng làm cho tâm linh trong sạch kia bị cấu nhiễm bởi danh, lợi, sắc, tài, lần lần hóa ra con người phàm phu tục tử.” [3]

Lời dạy của Đức Lão Tổ và Đức Quan Âm đã giải thích tại sao Đức Chúa dạy môn đồ phải sửa tâm như đứa trẻ mới được vào nước Trời. Tâm người càng nhỏ theo tuổi của đứa trẻ thì người càng trở nên lớn hơn trong nước Trời. Còn tiếp đón một trẻ nhỏ vì danh Chúa có nghĩa là tiếp đãi người hèn mọn (người thấp kém) để làm sáng đạo nghĩa của Chúa. Mặt khác đó còn có nghĩa là đem tâm tánh của trẻ nhỏ vào làm tâm tánh của mình, là thánh hóa mình, thì sẽ được gặp Chúa, gặp Trời.

2. Mát-thêu (19: 13-14)

Bấy giờ người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Ðức Giêsu nói: ‘Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.”

Điều này cho thấy Đức Chúa rất quí tâm hồn của trẻ thơ và luôn ưu ái với thiếu nhi.

Trong Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ cũng vậy, các trẻ luôn được Thầy, Mẹ và các Đấng Thiêng Liêng yêu quí, chăm sóc từng chút. Thầy bảo phải quan tâm hướng dẫn các thiếu nhi từ lứa tuổi măng non.

3. Mát-thêu (19: 16-22)

“… có một người đến thưa Ðức Giê-su rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?’ Ðức Giê-su đáp: ‘Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.’ Người ấy hỏi: ‘Ðiều răn nào?’ Ðức Giê-su đáp: ‘Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.’ Người thanh niên ấy nói: ‘Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?’ Ðức Giê-su đáp: ‘Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.’ Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.”

Đoạn này cho chúng ta thấy những điều kiện để được vào nước Trời sống đời đời không khác nhau giữa các tôn giáo.

- Vẫn là Ngũ Giới Cấm của Phật Giáo, của Cao Đài, nhưng ở đây chúng ta không thấy Chúa đề cập đến điều răn “không rượu thịt” có lẽ vì Ki-tô Giáo là đạo Thánh, ở giữa thế đạo và thiên đạo, bán xuất thế bán nhập thế, nên giai đoạn đầu chưa buộc trường trai.

Đức Thánh Khổng ở phương Đông cũng vậy. Khi còn lo việc thế, Ngài cũng dùng rượu để tỏ cái lễ và khi một miếng thịt cắt không ngay thì Ngài không dùng. Phần khác, phải chăng do ở vùng khí hậu lạnh, nhơn sanh cần ăn thịt, uống rượu để có đủ nhiệt lượng cho cơ thể nên Chúa chưa dạy phải kiêng rượu thịt?

Chúng ta lại thấy Chúa bảo người thanh niên phải hiếu thảo với cha mẹ mới được theo Chúa. Đạo Cao Đài cũng dạy rằng không có vị Phật, Tiên nào trên Thiên Đình lại từng là con bất hiếu với cha mẹ khi ở thế gian cả. Nho Giáo cũng dạy hiếu đạo làm đầu.

- Vẫn là tình huynh đệ đại đồng mà cả Nho Giáo, Ki-tô Giáo, Cao Đài Giáo đều đòi hỏi.

- Vẫn là đức hy sinh buông bỏ sự nghiệp của cải vật chất để có sự sống trường cửu.

Đó cũng là sự lựa chọn cần thiết phải có nơi người thanh niên ấy: hoặc chọn con đường hạnh phúc thế gian hoặc chọn con đường theo Chúa để sống ở nước Trời chứ không thể “bắt cá hai tay”.

Đó cũng chính là những yêu cầu mà các Đấng đã đặt ra cho mọi người giáo sĩ, tu sĩ các tôn giáo, cũng như trong Cao Đài.

LẬP HẠNH

[1] Hài nhi xích tử: Đứa trẻ sơ sinh còn đỏ hỏn.

[2] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 04 rạng 05-5 Đinh Tỵ (20-6-1977).

[3] Trúc Lâm Thiền Điện, 20-10 Quý Sửu (14-11-1973).

Không có nhận xét nào: