Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

ĐỨC DA TÔ GIÁO CHỦ BÀI HỌC LỚN MUÔN ĐỜI

KIM DUNG

Mùa Giáng Sinh lại đến, cả hành tinh này đang tưng bừng rực rỡ với những ngọn đèn nến, nhơn sanh nhộn nhịp thiết lễ tưởng nhớ đến một Đấng Cứu Thế của hơn 2000 năm qua đã tỏa sáng ánh đạo lý yêu thương cho muôn loài:

Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,

Sống muôn đời và sống mãi muôn đời.[1]

Ngài vẫn sống mãi trong lòng nhân loại với đầy sự tôn kính và sùng thượng.

Hằng năm vào ngày giờ này thánh thất Bàu Sen long trọng thiết lễ kỷ niệm mừng Chúa Giáng Sinh. Trong không khí thiêng liêng tràn ngập ân phước và bình an của Đức Chúa Trời, tất cả chúng ta, những môn đệ của Đức Chúa Da Tô cùng dâng nén tâm hương thành kỉnh hướng về Ngài để chiêm ngưỡng Đấng Cứu Thế đã chịu đổ máu đào trên thập giá, hy sinh thọ khổ, chuộc tội cho loài người.

Cảm ứng lòng thành kỉnh ấy Ngài thường giáng điển lành ban ơn vào những đêm Giáng Sinh. Chẳng hạn: “Da Tô Giáo Chủ mừng lễ sinh nhựt. Ta mừng chung các tông đồ lưỡng phái điện tiền. Ta miễn lễ, bình thân thứ lớp. Giờ lành Ta ngự bút, chứng tâm thành kỉnh hiến dâng của các tông đồ lưỡng phái. Cũng trong giờ phút thiêng liêng này Ta ban bố điển lành cho cả vạn loài khắp thế gian đang ngưỡng sùng kính bái.” [2] Rồi sau đó Ngài dạy tiếp:

Mừng thay ngày lễ Giáng Sanh,

Ban ơn vạn loại phúc lành hưởng chung.

Riêng nơi cửa nhà chung Đại Đạo,

Ta giáng đàn chỉ bảo dưới trên,

Dạy chung âm đức xây nền,

Hiệp nhau huynh đệ dưới trên một lòng.[3]

Đức Chúa xuất hiện rao giảng chỉ vỏn vẹn ba năm, thế mà cuộc đời, những lời thuyết giảng, sự chứng đạo độ đời của Ngài đã ăn sâu vào lòng người, không một ai là không biết đến Ngài và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có phải chăng đời sống thanh bần đầy thánh thiện của Ngài đã có sức cảm hóa mãnh liệt làm rung động hàng muôn triệu trái tim? Có phải chăng lời dạy của Ngài có thần lực chuyển hóa bao tâm hồn tội lỗi? Có phải chăng sự hy sinh thọ khổ và sự tu chứng của Ngài làm nhân loài cảm phục tôn kính và yêu thương Ngài khôn cùng?

1. Đức Chúa Giê-su - Đấng Cứu Thế

Giáo lý Đại Đạo dạy về đường tu hành gồm năm cấp: Nhơn Đạo (tùng khổ); Thần Đạo (thắng khổ); Thánh Đạo (thọ khổ); Tiên Đạo (thoát khổ); Phật Đạo (giải khổ).

a. Hiến mình thọ khổ

Tiêu biểu cho con đường thọ khổ là Thánh Đạo. Cả cuộc đời của Đức Chúa Giê-su dường như được Đức Thượng Đế an bài trong hoàn cảnh thật khắc nghiệt.

* Trước lúc giáng sinh, Cha mẹ Ngài phải lặn lội trở về nguyên quán để ghi tên vào sổ bộ vì chánh quyền kiểm tra dân số, đường xa trên 100km.

* Khi giáng sinh, cha mẹ Ngài gặp cảnh đêm đông giá rét, không nhà cửa, không quán trọ, không người quen biết, và Chúa Hài Đồng phải nằm trong máng cỏ.

* Còn sơ sinh, bị vua Hê-rô-đê tìm giết hại. Theo sự mách bảo của thần linh, ông Giu-se dìu bà Ma-ri-a, bồng Chúa Hài Đồng lên đường trong đêm tối, qua Ai Cập lánh nạn đường xa khoảng 250km.

* Đời niên thiếu, lao động vất vả, Ngài lớn lên bên người thợ mộc mà Đức Chúa Cha đã chọn làm cha nuôi.

* Trên đường giảng đạo, Ngài gặp nhiều chướng ngại vì hoàn cảnh xã hội rối ren và lòng người ganh ghét.

* Thọ khổ trên thập giá. Ngài biết trước sẽ phải chịu khổ hình quá sự chịu đựng của thân xác con người. Nghĩ đến thảm cảnh ấy tự nhiên khắp mình Ngài mồ hôi tuôn ra có giọt như máu chảy xuống đất. Rồi như mọi hôm, Ngài cùng các môn đệ đến chỗ vắng vẻ cầu nguyện và Ngài bảo các môn đệ của Ngài rằng: “Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá.” (Mát-thêu 26: 2)

Khi cùng với các môn đệ đi đến một thửa đất gọi là Ghết-sê-ma-ni, Ngài nói với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy.” (Mát-thêu 26: 38)

Rồi Ngài đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống và nguyện cầu với Chúa Cha rằng: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha.” (Mát-thêu 26: 39)

Ngài lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: “Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện.” (Mát-thêu 26: 42)

Giáng Sinh năm 1959, Chúa Giê-su dạy về đức vâng lời:

Ta vâng mạng lịnh Thầy Trời dạy,

Lễ Giáng Sinh nhắc lại phận Ta,

Tại sao Ta chịu chết mà,

Vì thương nhân loại Chúa Cha công bình.

Dụng con một, hy sinh xuống thế,

Chuộc tội chung toàn thể nhân loài,

Thân Ta đâu quản đắng cay,

Máu hồng chuộc tội, cứu rày nhơn sanh.

Thập tự giá thân đành chịu đóng,

Ta chết vì sự sống loài người,

Chết vì công nghĩa trên đời,

Chết vì sứ mạng Cha Trời phú giao.

b. Hy sinh để làm sáng tỏ lẽ công bình

Ngài đã vâng lịnh Cha Trời và sứ mạng. Đức Chúa Cha đã định sẵn Ngài là Đấng Cứu Chuộc phải hy sinh. Đó là luật công bình. Thánh giáo Đức Chúa:

Chính Ta đã hiến mình thọ khổ,

Cho loài người biết chỗ công bình,

Dù rằng Giáo Chủ toàn linh,

Cũng do cái luật công bình mà thôi.

Ngài dạy các bậc Thiên ân sứ mạng trong Tam Kỳ Phổ Độ: Ta muốn nói các Đấng Cứu Thế ngày xưa đã hy sinh với lẽ công bình, thì ngày nay không có khác. Ta hy sinh trong sự công bình của Đức Chúa Trời cũng như các hướng đạo Việt Nam đã và sẽ hy sinh trong luật công bình của Trời tức Đấng Cao Đài Cứu Thế ngày nay vậy. Hy sinh để làm sáng tỏ lẽ công bình cho thế gian, cho nhân loại.” [4]

Và dạy tiếp:

Ta là một trong trường nhơn loại,

Cùng thế gian Ta phải gánh gồng,

Thà cam chịu đổ máu hồng,

Gương hy sinh để nhắc lòng hy sinh.[5]

Ngài để lại gương hy sinh quá lớn cho đời. Mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói, cho đến mỗi sự im lặng của Ngài đều toát lên sự nhân đức, lòng yêu thương và mang nhiều ý nghĩa đạo lý. Tất cả là bài học sống đạo cho hậu thế.

2. Bài học Chúa Giê-su dạy người tín đồ Cao Đài

a. Đối với bản thân

- Rèn luyện thân tâm: “Phải luôn luôn gìn tâm trong sạch, lời nói trọn lành, việc làm ngay thẳng, cứu vật giúp người thì sẽ được hưởng hạnh phúc tại thế gian cũng như nước Thiên Đàng vậy.” * [6]

- Rèn luyện hạnh đức (đức khiêm hạ):

“Sau đây Ta cũng nhắc câu chuyện này: Khi Ta sắp bị đóng đinh trên thập tự giá, Ta cùng các tông đồ Ta hội hiệp nhau, để chung một cuộc lễ tiến hành giã từ kẻ tiên người tục, thì Ta dạy các tông đồ Ta hãy rửa chân nhau, nhưng không một tông đồ nào dám hạ mình để rửa chân. Ta mới đi rửa từng môn đồ ta cho sạch sẽ hai bàn chân.

“Với lý này, là con người ở thế, hễ còn làm là còn lâm vấp tội lỗi, cũng như còn đi là còn dính bụi hai bàn chân, nên phải rửa vần công với nhau mới kỹ lưỡng, sạch sẽ; hạ mình để thực hành thánh ý Ta dạy, nhưng khi Ta thăng thiên rồi, các tông đồ Ta mới trọn đức tin, và thi hành đúng đắn theo lời Ta dạy từ trước, mới được đắc quả vị cả thảy.

“Thì hôm nay đây, chư môn đồ nam nữ tu trong Đại Đạo cũng thế. Ráng mà khiêm nhường, hòa ái, thương yêu, thành thật với nhau mới đắc thành việc đạo được.” [7]

Đây là bài học cuối cùng Đức Chúa Giê-su dạy các môn đồ trong buổi tiệc ly thời Nhị Kỳ Phổ Độ. Sang Tam Kỳ Phổ Độ, đức khiêm nhường là bài học đầu tiên. Khi vừa mới mở Đạo, Đức Thượng Đế dạy chư vị Tiền Khai và cả nhơn sanh rằng: “Hạnh khiêm nhường là hạnh của mỗi đứa con”; Các con phải khiêm nhường sao cho bằng Thầy. *

b. Đối với mọi người

- Thương yêu: “Đây, Ta cũng nhắc lại những lời dạy của Ta khi xưa với tông đồ rằng các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con vậy. Và các con hãy yêu thương những kẻ ghét các con và làm ơn cho những kẻ bắt bớ vu cáo các con để xứng đáng là con của Cha trên trời, là Đấng đã làm cho mặt trời mọc, soi người lành người dữ, làm mưa xuống cho người công chánh và người tội lỗi.” *

Đức Chúa đã nói và hành động thật sự yêu thương, điều mà khó ai làm được. Đóng đinh chân tay Ngài nhằm vào nơi huyết mạch, máu tuôn trào, mà kẻ dữ còn xúm lại nhạo báng Ngài thêm nữa, lúc ấy Ngài ngửa mặt lên cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lu-ca 23: 34)

Thương yêu cũng là bài thi chính khóa của thời Tam Kỳ Phổ Độ bởi Thầy là Cha của sự thương yêu, bởi thương yêu Thầy mới dựng nên càn khôn thế giới.

- Không xét đoán người:

Kinh Thánh chép: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại nói với người anh em: ‘Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn’, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh?” (Mát-thêu 7:1-4)

Thánh giáo của Chúa Giê-su: “Các con không nên phán xét ai để khỏi bị phán xét bởi luật vô hình không ai thoát khỏi ngày phán xét đại đồng cả và thế gian dù người chết cùng người sống cũng thưởng phạt rất đúng mức công bình.” *

c. Đối với sứ mạng

- Cầu nguyện:

Người Do Thái Giáo vì lòng ganh ghét, âm thầm hiệp tác với chính quyền La Mã mưu hại Ngài. Dù luôn bị chỉ trích, Đức Giê-su vẫn lo chuẩn bị xây nền đắp móng cho tôn giáo của Ngài được vững bền. Dẫu biết trước chỉ còn ở thế gian chẳng bao nhiêu ngày nữa, không vì thế mà Ngài chùn bước. Ngài cũng chẳng hề tính chuyện dùng võ lực đối phó với võ lực.

Ngài lo tìm môn đệ để tiếp nối cơ đạo, gieo truyền giáo lý sau khi Ngài về trời. Việc lựa chọn mười hai vị môn đồ là một việc rất quan trọng. Việc này xảy ra khoảng ba tháng sau khi Chúa Giê-su công khai truyền đạo, trục xuất bọn con buôn ra khỏi đền thờ.

Mỗi lần sắp làm một việc quan trọng Chúa Giê-su đều đọc kinh, tĩnh tâm, cầu nguyện. Nên trước khi quyết định lựa chọn mười hai vị môn đồ, Ngài cũng lên núi đọc kinh cầu nguyện suốt đêm để được Đức Chúa Cha ban ơn soi sáng: “Trong những ngày ấy, Ðức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Ngài đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Ðến sáng, Ngài kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là tông đồ.” (Lu-ca 6: 12-13)

- Thiền định:

Ngày nay Đức Chúa giáng cơ dạy: “Giê-su rất mừng cho dân tộc Việt Nam thấm nhuần Đại Đạo, ngày nay tiến đến cơ siêu thoát rất nhiều. Chẳng phải Thánh Đạo khi xưa của Giê-su không dạy những bí truyền. Tại vì lâu ngày chơn truyền sai lạc. Khi Ta giáng thế đúng tam thập niên[8] đến thọ pháp báp-têm với Jean Baptiste[9]. Giê-su phải tuyệt thực đúng bốn mươi ngày để khỏi bị ma quỷ cám dỗ. Biết bao điều đến làm cho Ta xiêu lòng ngã dạ nhưng nhờ Đức Cha Trời chiếu điển lành, Ta được trọn thân tâm mới đi ra truyền đạo. Mỗi lần Ta trắc ẩn điều nào thì Ta cũng đi nhập tịnh một lúc để tiếp điển mới hiểu thấu chơn truyền của Cha Ta chỉ giáo.” [10]

Sau đó Ngài dạy môn đồ Đại Đạo: “Đến ngày hôm nay, (…) nền Đại Đạo Cao Đài cứu thế buổi hạ nguơn cùng cuối thì chư môn đồ nữ nam muốn hữu dụng ngày tương lai thì phải cố công kềm tâm định tánh, tịnh luyện nguơn thần, trau sửa bản thân cho thành một bộ máy tinh vi. Hầu sau, ngày cùng cuối để Thiêng Liêng mượn xác hữu hình sử dụng ngày bình quang tam nhựt. Ấy là ngày Đại Đồng phán xét thế gian đó.” [11]

3. Bài học của dân tộc được chọn

a. Xem gương dân Do Thái

Khi Đấng Cứu Thế thọ nạn trên thập giá thì cơ đạo phải chịu pháp nạn suốt ba thế kỷ, còn dân tộc Do Thái không tròn sứ mạng của dân tộc được chọn, không còn được ơn cứu rỗi của Đức Thượng Đế nữa mà cả dân tộc phải thọ khổ nạn đến nỗi không còn mảnh đất dung thân suốt hai mươi thế kỷ.

Ngày nay Chúa dạy: “Hãy xem gương Do Thái, lấy đó làm gương cho chư hiền. Không một phần thưởng nào không ban cho đứa khôn ngoan. Không một trách phạt nào không ban cho đứa phản lại ý thánh của Bề Trên.” *

b. Kinh Cựu Ước đã tiên tri từ ngàn xưa: 2000 năm sau Chúa sẽ tái lâm

Lễ Giáng Sinh năm 1973, Chúa nhắc lại: “Giờ kỷ niệm, hai ngàn năm sắp mãn, theo lời tiên đoán ngày xưa còn nêu rành Cựu Ước. Nay gợi lại để Thiên sứ, sứ đồ, gợi sưởi lòng ôn lại những điều tiên tri trên mặt luật. Vì trong hai ngàn năm, Ta sẽ tái lâm hạ thế, nhưng ngày nay Ta đến thế gian như kẻ trộm. Đó là điều tiên đoán ngàn xưa, nay nhắc lại để chứng minh cho đời biết. Cũng như bao con chiên Ta đã đón tiếp và chờ mong ngày xuất hiện, lòng man mác đương trông mỏi. Nhưng Ta đã đến thế gian từ bao giờ, lòng con chiên chưa nhận thức. Đó là vì màn bí mật trùm bao, luật Thiên điều hé màn cho biết. Nhưng đặc tính của con chiên vẫn còn đang tầm nơi không trung vị sứ thần xuất hiện, đang mong mỏi săn đuổi để đón rước Ta bằng tấm lòng tin tưởng, nhưng quên xem lại điều ghi sau những lời Cựu Ước. Đời mạt hạ, Ta hạ thế bằng linh điển để đem con người trở về đường hướng thiện để giải tỏa xích xiềng cho bản thân được thanh thỏa thân tâm, tu tầm vị cũ. Vì ngày Ta đến thế gian là ngày những tôi trai tớ gái đã nói những lời tiên tri như Ta hiện nay.” [12]

Lễ Giáng Sinh năm 1958, Chúa gọi:

Hỡi các môn đồ, Ta đã đến,

Đến bằng linh điển hợp thời này.

Lễ Giáng Sinh năm 1959, Chúa nhắc lại di chúc:

Đến một ngàn chín trăm sáu chục,

Trong Thánh Kinh di chúc của Ta,

Trong hai ngàn năm đó là,

Hạ nguơn tận thế Cha Ta lâm trần.

Cha Ta vốn Chơn Thần Thượng Đế,

Cha Ta là Chúa Tể càn khôn,

Cha Ta là Đấng Chí Tôn,

Là Đại Từ Phụ bảo tồn nhơn sanh.

Đức Chúa Trời tá danh cứu thế,

Danh Cao Đài Ngọc Đế Kỳ Ba,

Việt Nam hạnh ngộ Đạo nhà,

Hoàn cầu vạn quốc nhìn Cha là Thầy.

c. Việt Nam – dân tộc được chọn

Hạnh phúc lớn lao cho dân tộc Việt Nam được Đức Thượng Đế chọn ban trao sứ mạng Kỳ Ba này. Lễ Giáng Sinh năm 1967, Đức Chúa kêu gọi:

“Hỡi dân tộc được chọn! Hỡi dân tộc được thương yêu! Này chư hiền nam nữ! Quốc gia này còn tan tác là dân tộc này chưa vừa ý trong sứ mạng của Thượng Đế Chí Tôn.

“Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát, chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí. Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau.” [13]

Ngài nhận định vào lễ Giáng Sinh năm 1959:

“Trên thế giới này hiện giờ môn đồ Ta rất đông, nhưng chỉ giữ đạo phần nhiều, còn hành đạo thì rất ít. Ta vui thấy nước Việt Nam hữu hạnh được ngộ Đạo của Đức Chúa Trời tá danh Kỳ Ba là Cao Đài cứu thế, Đại Đạo phổ truyền khắp cả ngũ châu vạn quốc.

Hỡi dân tộc được chọn!

Đã có kẻ noi gương Ta mà hy sinh mà vong kỷ.

Hãy nối chân nhìn Chúa Trời để chuẩn bị lập đời ngày mai.

Lập cõi đời không có quốc nạn, không thiên tai,

Không lửa bỏng, không dầu sôi, không máu đổ.

Hồng Lạc ơi!

Ngày tận thế cũng là ngày tận khổ,

Ta chiết thân đến độ khắp nơi nơi.

Cha Ta dựng Đài Cao, cao ngất tuyệt vời,

Và rúc tiếng còi gọi tất cả con người trở về đất Thánh.

Bỏ mùa đông giá lạnh,

Đón ánh sáng yêu sinh,

Việt Nam thanh bình,

Thế giới thanh bình.”

Tóm lại, Đức Chúa Jésus tấm gương sáng tiêu biểu cho Thánh Đạo, vâng mạng lịnh Đức Chúa Trời ở đỉnh cao của sứ mạng cứu thế bằng con đường thọ khổ. Qua đó Ngài để lại bài học lớn muôn đời cho nhơn sanh tu học: hy sinh, thương yêu, khiêm hạ, không xét đoán người, cầu nguyện để được ơn, thiền định để sáng suốt hành đạo, v.v.

Ta đến với một mùa Đông đầy giá rét,

Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài,

Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,

Để cất tiếng từng hồi gọi đàn chiên lạc lõng.

Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,

Sống muôn đời và sống mãi muôn đời,

Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.[14]

Đức Chúa giờ đây tiên tri cho thế giới ngày sau:

“Môn đệ còn nhớ chăng những lời tiên tri của Ê-sai thuở nọ và những lời tiên tri của Ta:

“Chừng nào các thánh tòa của Đại Đạo được đặt nhiều nơi trên thế giới. Áo đạo bạch được hầu hết tất cả nhân loại hiểu đến thì chừng đó sự tranh giành ảnh hưởng trên khắp cả địa cầu không còn nữa và trên khắp các nước đều có đại lễ như lễ của Ta hiện thời thì nhơn loại khỏi diệt vong.” *

Một đêm Giáng Sinh trước kia, Ngài ban điển lành cho thế gian như sau:

“Ta chào chư hiền nam nữ được toàn vẹn ân điển trong mọi chư hiền.

“Đêm nay Ta ban ân lành cho tất cả con người nơi thế gian được bằng an và làm sáng danh Ta, danh Đạo trong muôn thuở. Ta cũng giáng khắp nơi và để lời dạy dỗ nhân sanh, tùy trình độ, tùy hoàn cảnh.

“Chào chư sứ mạng, chào chư hiền nam nữ. Ta trở lại nước Thiên Đàng.” *

Chúng ta cầu nguyện Chúa ban ơn và hộ trì cho dân tộc Việt Nam hoàn thành được sứ mạng Đại Đạo do Đức Cha Trời phó giao để dân tộc mãi sống trong cảnh thái bình, an lạc, yên vui và toàn cả nhân loại được hưởng đời thánh đức thượng nguơn.

KIM DUNG

Mùa Giáng Sinh 2007


[1] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[2] Huờn Cung Đàn, 08-11 Canh Tý (24-12-1960).

[3] Huờn Cung Đàn, 08-11 Canh Tý (24-12-1960).

[4] Huờn Cung Đàn, 02-12 Ất Tỵ (24-12-1965).

[5] Huờn Cung Đàn, 02-12 Ất Tỵ (24-12-1965).

[6] Những trích dẫn được đánh dấu * đều là thánh giáo trong đạo Cao Đài, tuy nhiên người viết không ghi rõ xuất xứ.

[7] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão 24-12-1963.

[8] Ba mươi tuổi.

[9] Gioan Tẩy Giả.

[10] Tiên Thiên Thánh Huấn, Q. 3, tr. 25, Tòa Thánh Châu Minh, 14-11 Mậu Tuất (24-12-1958).

[11] Đức Giê-su Ki-tô, Tiên Thiên Thánh Huấn Q. 3, trang 25, TT Châu Minh, 14-11 Mậu Tuất (24-12-1958).

[12] Huờn Cung Đàn, 02-12 Quý Sửu (25-12-1973).

[13] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[14] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

Không có nhận xét nào: