Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

CAO ĐÀI - THIÊN CHÚA ĐẾN TRONG KỲ BA

ĐẠT TƯỜNG

Hơn hai ngàn năm trước, Chúa hài đồng đã giáng sinh hết sức bình dị nơi trời Tây trong một đêm đông giá buốt. Tại Bê-lem, thành Giê-ru-sa-lem, trong một hang đá nơi đồng vắng, âm thanh hài đồng trong máng cỏ đã cất lên. Trên trời cao tiếng đàn hát của các thiên thần ngân vang, còn trên mặt đất tiếng tung hô của các mục đồng hòa lẫn cùng lời ca tụng của ba nhà hiền triết tìm đến từ phương Đông theo ánh sao soi dẫn.

1. Lược sử Da Tô Giáo Chủ trong Nhị Kỳ Phổ Độ

Từ khi vừa mới chào đời, Chúa hài đồng đã phải vượt qua bao cuộc truy sát theo lệnh của vua Hê-rô-đê khi nghe lời đồn trong dân gian rằng có ba nhà hiền triết phương Đông đang đi tìm “Vua của dân Do Thái mới giáng sinh”. Giê-su là tên của hài đồng được đặt theo lời thiên thần hướng dẫn. Người đã lớn lên trong vòng tay dưỡng dục yêu thương của cha không sanh là Giu-se và mẹ đồng trinh Ma-ri-a cùng sự bảo vệ âm thầm của Đức Thánh Linh Thiên Chúa nơi đất Ai Cập. Sau khi Hê-rô-đê băng hà, sứ thần báo mộng cho Giu-se đem hài nhi và mẹ của Người trở lại đất Israel để rồi trưởng thành ở Na-da-rét.

Và như lời Người đã nhắc trong lần giáng đàn đêm No-en năm 1958 tại Tòa Thánh Châu Minh: Khi Ta giáng thế đúng tam thập niên[1] đến thọ pháp báp-têm với Jean Baptiste[2]. Giê-su phải tuyệt thực đúng bốn mươi ngày để khỏi bị ma quỷ cám dỗ. Biết bao điều đến làm cho Ta xiêu lòng ngã dạ nhưng nhờ Đức Cha Trời chiếu điển lành, Ta được trọn thân tâm mới đi ra truyền đạo. Mỗi lần Ta trắc ẩn điều nào thì Ta cũng đi nhập tịnh một lúc để tiếp điển mới hiểu thấu chơn truyền của Cha Ta chỉ giáo.” [3]

Rồi Người lên đường rao giảng tin mừng. Người đã thâu nhận các môn đồ, dạy cho họ về đức công chính và tình thương lẽ thật đời đời, để cùng thực hiện sứ mạng cứu thế. Nghe theo tiếng gọi của Đấng Cứu Thế, các tông đồ theo Người lên đường đi dọc bờ Galilée vừa học vừa hành việc rao giảng đức tin xây dựng cõi Địa Đàng cho mọi anh chị em trước khi trở về nước Thiên Đàng. Cũng có lúc trước những thử thách của quyền lực thế gian, các tông đồ cũng bị yếu kém, chao đảo lòng tin đến đỗi ba lần chối Chúa như tông đồ Phê-rô. Nhưng cũng chính Phê-rô, sau khi Chúa Giê-su đã phục sinh thì ông lại là một trong những trung kiên dẫn dắt đàn chiên của Thiên Chúa vượt qua bao cuộc vây ráp, bức tử để xây dựng Hội Thánh. Các thánh tông đồ đã kể, ghi lại những chuyện về Chúa Ki-tô và những lời giảng của Người. Sau nầy được sưu tập lại thành Kinh Thánh Tân Ước.

2. Cao Đài – Thiên Chúa đến trong Kỳ Ba

a. Chúa hiện diện trong cơ bút Cao Đài từ khi nào?

- Năm 1925 tại Sài Gòn, qua hình thức xây bàn, các tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang đã tiếp xúc được với các Đấng Thiêng Liêng. Từ khi được lịnh dùng Đại Ngọc Cơ, có một Tiên Ông xưng danh là AĂÂ thường hay giáng cơ và sau đó dạy các ông phải gọi bằng “Thầy”, Ngài gọi các ông bằng các con.

- Đêm Nô-en 1925, các tiền bối Cư, Tắc, Sang cầu Đức AĂÂ bằng ngọc cơ để học đạo nhưng không thấy Ngài giáng. Một hồi lâu có Thất Nương giáng vào nói rằng: “Rất mừng vui.” Các ông không hiểu chi cả, bèn hỏi: “Mừng việc chi?” Thất Nương trả lời: “Đêm nay là đêm kỷ niệm Thầy giáng sinh hai ngàn năm trước mà khai Thánh Giáo nơi miền Thái Tây. Giờ nầy, Thầy đương hội chư Phật Tiên Thánh Thần dự lễ nên không đến đặng cùng mấy anh. Vậy mấy anh nên cầu nguyện cho cả bá tánh trong đêm lành nầy rồi nghỉ. Bữa khác Thầy sẽ đến dạy việc cần yếu.

- Đêm sau, các tiền bối lại tụ họp nhau lập bàn hương án rất đàng hoàng. Tất cả đều quỳ lạy cầu Ngài giáng dạy đạo. Đức AĂÂ giáng cơ dạy như sau:

Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo Đạo Nam Phương.

Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,

Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên,

Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Cao Đài đã hiểu lòng của ba đệ tử. Ngài đã ban đầy ân cho mỗi người. Đêm nay phải vui mừng vì là ngày của Thượng Đế xuống trần dạy đạo bên Thái Tây. Ta rất vui lòng đặng thấy ba đệ tử kính mến Ta như vậy. Nhà nầy sẽ đầy ân Ta. Ngày giờ gần đến, đợi lịnh ! Ta sẽ làm cho thấy huyền diệu đặng kính mến Ta hơn nữa.

(. . .)

“Bấy lâu nay Thầy vẫn tá danh AĂÂ là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây các con phải ra giúp Thầy mà khai đạo. Các con có thấy Thầy khiêm nhượng là dường nào chưa? Các con nên bắt chước Thầy trong mảy mún thì mới xứng đáng là người có đạo đức.”

Như vậy, Đức Chúa Trời đã chính thức xưng danh Ngọc Hoàng Thượng Đế kim viết Cao Đài vào Nô-en năm 1925.

- Đêm Tết dương lịch 1926, có một người Thiên Chúa Giáo là bà Phủ Chỉ (bạn của bà Cao Quỳnh Cư) đến nhà mà nói như vầy: Xin cho tôi để thử trên bàn cầu cơ tấm hình Đức Chúa và một cây Thánh Giá. Nếu Đức Cao Đài thiệt là Thượng Đế thì mới giáng cơ, bằng là quỷ vương thì thấy hai vật báu ấy tự nhiên phải tránh.

Hôm ấy, Thánh Pièrre giáng cho bài thi sau:

Thiên đàng giữ cửa góc trời Tây,

Truyền đạo cho dân biết mặt Thầy,

Cứu chuộc đã hai ngàn tuổi lẻ,

Cao Đài phó thác dắt dìu bây.

Tiếp theo, Đức Cao Đài giáng dạy: “Con hiểu Giê-su là ai chăng? Trước Ta đã đổ máu cho loài người vì thương yêu. Nay Ta đến cứu loài người cũng vì thương yêu. Bây đủ thương yêu ta dường ấy chăng? Ta cần bây ăn năn hầu cứu chữa bây.” [4]

b. Đức Da Tô Giáo Chủ, con một của Đức Chúa Trời, lần đầu tiên giáng đàn qua cơ bút Cao Đài vào khi nào?

Quyển Đại Đạo Căn Nguyên xuất bản năm 1930 có lưu lại bài thánh giáo tháng 9-1926 bằng Pháp văn, tạm dịch một đoạn như sau:

Ngã Da Tô Giáo Chủ giáng đàn. Hỷ hiền sanh đẳng đẳng.

“Ta đến, Ta là Đấng cứu rỗi và là người phán xét các ngươi. Như vậy, ngày xưa Ta đến với con dân Ít-ra-en lạc loài. Ta mang chân lý đến và làm tan biến vô minh. Các ngươi hãy nghe Ta: cơ bút, như trước kia là ngôi Lời của Ta. Cần nhắc nhở những đứa vô thần rằng trên chúng nó, chân lý bất di bất dịch ngự trị đời đời. Đó là Thượng Đế tốt lành, Thượng Đế vĩ đại, giúp cây cối tăng trưởng và làm nổi sóng đại dương.

“Ta đã phát hiện học thuyết chí linh. Ta như người thợ gặt bó từng nạm lúa. Ta gom góp thánh thiện trong nhơn sanh và Ta đã cao truyền: “Các con đau khổ hãy đến với Ta.” [5]

Về sau Đức Da Tô Giáo Chủ cũng đã nhiều lần giáng cơ dạy đạo tại nhiều nơi trong các chi phái Cao Đài như Tiên Thiên, Minh Chơn Đạo, Cao Đài Thống Nhứt, v.v. Đặc biệt tại thánh thất Bàu Sen là nơi chọn ngày lễ Giáng Sinh hàng năm để làm lễ kỷ niệm và liên giao, Đức Da Tô Giáo Chủ cũng đã nhiều lần giáng đàn dạy đạo.

3. Cao Đài Giáo chứng nghiệm tiên tri trong Tân Ước

Khải Huyền là sách tiên tri của Kinh Thánh Tân Ước, được in phía sau quyển kinh. Sách có những đoạn như sau:

a. Đến như kẻ trộm: “Ðây, ta đến như kẻ trộm. Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình ...” (Khải Huyền 16: 15)

Chi tiết “đến như kẻ trộm” đã được Đức Chúa nhắc lại trong nhiều lần giáng đàn như:

“… kể từ ngày giá lâm đến nay gần hai ngàn năm tròn, thế hệ trải qua bao thời kỳ chuyển Đạo, các tông đồ đã hết lòng chiêm bái, dẫu cho Đạo quá xa xăm truyền đến. Giờ này khắp thế gian Âu Á đều ca tụng, lễ mừng Ta. Theo lời tiên đoán trong hai ngàn năm Ta sẽ tái lâm phàm trần nhưng ngày Ta giá lâm như kẻ trộm.” [6]

Nầy Thiên sứ cùng chư sứ đồ, hai ngàn năm sắp mãn, điều khắc bảng nêu trên Cựu, Tân [Ước] đã rõ ràng bút tích. Điều mà ta đã tiên tri cùng sứ đồ trước kia: ngày ta đến thế gian như kẻ trộm. Đó là giờ hiện diện bằng linh điển trong kỳ hạ nguơn chuyển giáo tá danh hiệu Cao Đài để giáo dục quần sanh, giáo dân vi thiện. Đó là luật công bình Thiên điều đã định. Giờ chuyển huyền linh nơi nầy để nhắc lại điều ký bút gần hai ngàn năm ghi lại. Kìa trước kia Ta tiên tri cho sứ đồ biết rằng sau hai ngàn năm sắp mãn, Ta dụng huyền linh Thiên điển trao cho những tôi trai tớ gái vẽ ra, hoặc nói ra những điều tiên tri nơi thượng cảnh để cho đời biết điều phát tâm tu niệm.[7]

b. Mặc áo trắng: “Vậy nếu ngươi không tỉnh thức, thì Ta sẽ đến như kẻ trộm, ngươi chẳng biết giờ nào Ta sẽ bắt chợt ngươi. Nhưng tại Xác-đê, ngươi có một ít người đã không làm nhơ bẩn áo mình; họ sẽ mặc áo trắng cùng đi với Ta, vì họ xứng đáng. Như thế, ai thắng sẽ được mặc áo trắng; Ta sẽ không xóa tên người ấy khỏi Sổ Trường Sinh; Ta sẽ nhận người ấy trước mặt Cha Ta và trước mặt các thiên thần của Người.” (Khải Huyền 3: 3-5)

Chi tiết “mặc áo trắng” này được Đức Giê-su nhắc lại khi giáng cơ:

Môn đệ còn nhớ chăng những lời tiên tri của Ê-sai thuở nọ và những lời tiên tri của Ta. Chừng nào các Thánh tòa của Đại Đạo được đặt nhiều nơi trên khắp thế giới, áo đạo bạch được hầu hết tất cả nhân loài hiểu đến thì chừng đó sự tranh giành ảnh hưởng trên khắp cả địa cầu không còn nữa và trên khắp các nước đều có đại lễ như lễ của Ta hiện thời thì nhân loại mới khỏi diệt vong.” [8]

c. Niêm ấn trên trán:

Tôi lại thấy một thiên thần khác, mang ấn của Thiên Chúa hằng sống, từ phía mặt trời mọc đi lên. Thiên thần ấy lớn tiếng bảo bốn thiên thần khác, là những vị được quyền phá hại đất liền, biển cả rằng: ‘Xin đừng phá hại đất liền, biển cả và cây cối, trước khi chúng tôi đóng ấn trên trán các tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta.’ Rồi tôi nghe nói đến con số những người được đóng ấn: một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn, thuộc mọi chi tộc con cái Ít-ra-en.” (Khải Huyền 7: 2-4)

Sau đó, tôi thấy, kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô: ‘Chính Thiên Chúa chúng ta, Ðấng ngự trên ngai…’.” (Khải Huyền 7: 9-10)

Dấu ấn nầy, ngày nay trong Cao Đài Giáo, chúng ta thấy hiện diện qua biểu tượng Thiên Nhãn trên khăn đóng hay mão của các vị chức sắc. Đó là dấu ấn bên ngoài. Còn dấu ấn bên trong chính là huệ nhãn, kết quả của việc thực hành tam công (công quả, công trình, công phu) trên đường thực hiện sứ mạng Kỳ Ba của mọi thành phần tín hữu Cao Đài.

4. Cơ cứu thế Kỳ Ba

Đêm Noel 1925, lần đầu tiên Đức AĂÂ qua linh điển cho biết mình là Cao Đài, là Ngọc Hoàng Thượng Đế, mà cũng là Thiên Chúa. Mùa Đông Bính Dần (1926), đại lễ Khai Minh Đại Đạo đã được long trọng tổ chức, chính thức ra mắt nền tân tôn giáo Cao Đài trước nhân sinh. Điều này cho thấy ý nghĩa: thời kỳ hạ ngươn mạt kiếp, hay thời kỳ tận thế, Đức Thượng Đế – Cao Đài Thiên Chúa lại đến thế gian để mang Tin Mừng khai trí cho nhân loại được sáng tỏ chân lý Đại Đạo hầu thực hiện cơ đại ân xá, cứu thế Kỳ Ba.

Theo âm lịch, tháng 10 là tháng Hợi, tháng 11 là tháng Tý, bắt đầu cho một chu kỳ 12 con giáp mới. Khai Minh Đại Đạo vào thời kỳ kết thúc giai đoạn “thuần âm” để chuyển vào thời điểm “nhứt dương sơ động” của quẻ Phục. Ngày rằm tháng 10 Mậu Tuất (1958), kỷ niệm Khai Minh Đại Đạo, Đức Ngọc Chưởng Pháp Trần Đạo Quang có nói: “Cũng ngày này trên 32 năm về trước trong một góc trời Nam đã xé tan màn u ám bởi một nguồn điển lực từ nơi trời đến, chói lọi mười phương. Tiếng nói quyền pháp bởi cơ hội đã vang động khắp chín từng mây, nhơn vật tỉnh giấc mơ màng, hồn phách được hồi sanh. Nếu không bởi ngày này thì cõi ta bà cũng mãi triền miên trong ảo mộng. Nhơn loại bởi ngày này mà phục sinh. Ngày này là ngày nhứt dương sơ động làm cho khí lạnh hạ dần, ấm áp đã đến, sống động trong muôn loài để khí lực sinh sôi hoạt động.” [9]

Và theo dương lịch, trong khoảng thời gian từ lễ hạ nguơn (rằm tháng 10) đến thượng nguơn (rằm tháng Giêng) của âm lịch, có thời kỳ Đông Chí. Bao giờ Đông Chí cũng là ngày 22 tháng 12 dương lịch. Như vậy, khi Chúa Da Tô giáng sinh vào đêm Noel 24 tháng 12 chính là thời điểm vừa vượt qua Đông Chí giá lạnh, khí dương của mùa xuân bắt đầu nảy nở và phát triển cho tương lai. Hơn hai ngàn năm trước, vào giờ Tý (giờ Phục) của một ngày Đông giá lạnh, Đức Giê-hô-va – Thiên Chúa đã cho con một của Ngài giáng thế để mang lại Tin Lành về một ngày mai tươi sáng.

Còn theo Đạo học Á Đông, Đông Chí là thời điểm nhứt dương sinh nghĩa là từ giai đoạn thuần âm (6 hào âm) chuyển sang bắt đầu có 1 hào dương đi cùng với 5 hào âm. Giá trị của một điểm chơn dương ban đầu như cái ngòi gà trong quả trứng. Đó là mầm khởi phát cho vạn vật hồi sinh.

Nơi đây, chúng ta thấy có sự đồng nhứt lý về ý nghĩa của mùa lễ mừng Chúa Giáng Sinh và Khai Minh Đại Đạo. Đó là “Bỏ mùa đông giá lạnh, / Đón ánh sáng yêu sinh.”

Giờ đây, Chúa Ki-tô đã trở lại thế gian qua linh điển. Ngài dạy:

Cơ tận thế bày ra kìa trước mắt,

Hỡi nhân loài có gieo rắc được tình thương?

Ngày tái lâm Cha Ta đã dọn sẵn Thiên đường,

Đưa tất cả đoàn chiên ngoan về đất Thánh.

Hằng nghìn mấy mùa Đông nhiều giá lạnh,

Cũng một mùa Đông Ta hân hạnh trước Cha Ta,

Đến thế gian đầy dẫy cảnh phong ba,

Đầy máu lửa và đầy ma vương ác quỷ.

Hỡi dân tộc được chọn!

Đã có kẻ noi gương Ta mà hy sinh, mà vong kỷ,

Hãy nối chân nhìn Chúa Trời để chuẩn bị lập đời mai,

Lập cõi đời không có quốc nạn, không thiên tai,

Không lửa bỏng, không dầu sôi, không máu đổ.

Hồng Lạc ơi!

Ngày tận thế cũng là ngày tận khổ,

Ta chiết thân đến độ khắp nơi nơi,

Cha Ta dựng Đài Cao cao ngất tuyệt vời,

Và rúc tiếng còi gọi tất cả con người về đất Thánh.

Bỏ mùa đông giá lạnh,

Đón ánh sáng yêu sinh;

Việt Nam thanh bình! Thế giới thanh bình![10]

Những lời rao giảng ấy nay đã và đang trở thành hiện thực nơi Nam bang nhược tiểu. Đây là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao cho những ai hữu duyên hạnh ngộ Cao Đài, cho dân tộc Việt được chọn trong Kỳ Ba đại ân xá. Đức Da Tô đã nhắc: “Đạo Trời lần Ba hoằng khai để cứu vãn tình trạng nguy vong của nhơn loại, mà tái lập cuộc thế giới an bình. Thượng Đế chọn đất Việt làm Thánh địa, chọn dân Việt làm tiền phong khai đạo, nói lên những lời thiết tha bằng tình thương lẽ thật và sự sống đời đời.[11]

Đức Da Tô cũng để lời truyền phán:

Hỡi những sứ đồ của Tam Kỳ Phổ Độ! Hỡi những chiên ngoan của cuộc diện sau cùng! Hỡi những Thiên mạng tiên tri và cứu rỗi!

“(…) Từ giờ nầy cho tới ngàn giờ sau nữa, tiếng kêu nơi đồng vắng vẫn mãi vang lên. Ai có tai hãy lắng nghe! Ai có tim hãy rung động! Ai có khối óc hãy suy tư! Ai có đôi tay dịu dàng hãy cứng mạnh vươn lên để xây dựng!

“Hỡi những ánh mắt chói lòa trước ánh sáng thế nhân! Còn gì nữa? Hãy nhắm mắt lại để khỏi mù đi bằng ánh lửa của tham vọng đấu tranh! Hãy quay lưng lại vì trước mặt chứng nhân là lâu đài của đao phủ thủ, là hố huyệt của nghĩa trang. Chần chờ gì nữa, chư hiền hãy tạo cho mình một tư thế vững chắc để tinh thần và thể chất an định uy hùng. Hãy thét to lên tiếng vọng tâm linh. Hãy thắp ngọn đuốc dẫn đường bao kẻ lang thang bơ vơ khao khát!

“Ta gởi lời nầy cho tất cả nhân sinh trên cuộc đời đang có, từ dân tộc nghèo đói, dốt nát mù mịt nhứt tới bầu trời đầy ánh sáng văn minh tiến bộ. Hãy rao lên tiếng nói của mục đồng giữa độ chiều tà đang chực chờ rũ bóng. Chư hiền hãy thế Ta thi hành ước vọng ấy.

“Bất cứ ước vọng nào cũng đều vô ích nếu nó không đạt được mục tiêu cứu rỗi cho nhơn loại. Ta muốn ở chư hiền ý thức thật sự như vậy. Có ý thức thật sự như vậy thì sứ mạng Tam Kỳ Phổ Độ mà chư hiền là tiêu biểu mới đạt được sự nghiệp to tát, nhứt là việc góp tay xây dựng nền tảng và cơ cấu xã hội, một xã hội tốt hơn xã hội hiện tại.

“Sự chia rẽ là một căn bịnh nan y khó mà tìm được thần y hàn gắn lại, chỉ có phương pháp của Cha Ta ban cho: thương yêu siêu việt mới đủ điều kiện giải thoát con người ra khỏi chứng bịnh hiểm nghèo đó. Chia rẽ phân cách là kết quả của lòng ngã chấp. Ta muốn bảo thương yêu là cái gì thuần khiết, du lưu trong mọi thời không, trong mọi sự kiện, chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên thần thánh cách biệt con người và vạn loại. Quả thật, Ta không bảo chư hiền hằng ngày bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu.

“Khi Ta giáng sinh, chỉ một tiếng kêu nơi đồng vắng, ngày nay có biết bao tiếng kêu nơi đồng vắng hiện vang. Ai điếc cũng cố gắng nghe. Ai mù cũng cố gắng nhìn thấy. Dòng nước đang dâng lên, hàng vạn con nước hãy dâng theo sau. Những gì là sâu bọ, rác bẩn gớm ghiếc chờ đợi tới phiên. Sự tinh sạch sắp đến.

“Hỡi dân tộc được chọn! Ta không cần nói nhiều. Sứ đồ kỳ cuối sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, vất vả hơn, nhưng cũng vinh quang hơn trong ánh sáng của Đấng Cha Lành.[12]

Một lần khác giáng đàn tại thánh thất Bàu Sen, Ngài đã để lời răn:

Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát, chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí. Mọi thử thách sẽ định giá cho thành quả của sự vụ mai sau.

“Ta nói với chư hiền: Chính sự giày vò của tâm tư, sự nhọc nhằn của thể xác, sự gò ép, sự chết chóc sẽ điểm đạo cho hàng Thiên mạng. Xem gương Ta đi trước mà mạnh bước vượt qua rừng sầu bể khổ. Ta đến với nhơn sinh trong đau khổ lạnh lùng, đem thân mình hòa đồng trong băng tuyết, trong gió rét đêm đông.

“Có người đã bảo chư hiền: Không vào tận hang cọp làm sao bắt được hùm con. Ta lại nói: Chỉ có đem mình vào bể khổ mới cứu vớt sự đắm chìm của nhân loại.

“Hãy xem gương Do Thái, lấy đó làm gương cho chư hiền. Không một phần thưởng nào không ban cho đứa khôn ngoan. Không một trách phạt nào không ban cho đứa phản lại ý thành của bề trên.” [13]

Hạ nguơn mạt kiếp (tận thế) là giai đọan cuối của chu kỳ tam nguơn, chính lần nầy Thiên Chúa lại đến tá danh Cao Đài nhưng đến bằng cách ẩn mình “như kẻ trộm” qua làn thiên điển. Hy vọng lại bừng lên cho nhân loại với mức độ ý nghĩa lớn lao cùng tột: Chính Đức Thựơng Đế đến trần gian nâng cao tầm vóc tiến hóa tâm linh nhân lọai, tổng hợp cả ba yếu tố Công Bình, Bác Ái, Từ Bi tạo thành tôn chỉ Đại Đạo để chuyển lập đời thượng nguơn thánh đức.

Chính Ngôi Thái Cực vốn là Ta,

Mượn tiếng Cao Đài xuống thứ Ba,

Thích, Đạo, Da Tô tay chưởng quản,

Thương dân xuống thế độ lần ba.[14]

Vì thế Đức Lý Giáo Tông cũng nhắc nhở để tín hữu Cao Đài chúng ta phải ý thức: “Tam Kỳ Phổ Độ là một giai đoạn quan trọng trên lịch sử diễn tiến của nhơn loại trong kỳ hạ nguơn. Đây là thời kỳ có một không hai trong quá trình tiến hóa tâm linh nhơn loại. Vì được diễm phúc hồng ân lớn lao duy nhất: Thượng Đế giáng trần lập Đạo, cứu độ và tận độ nhơn loại cũng đang thời kỳ tiến đến mạt kiếp, ác nghiệp chồng chất bao đời cũng đến hồi tác động với muôn vàn tai họa khủng khiếp… Hoàn cảnh lịch sử, thời điểm lịch sử, phải có biện pháp lịch sử, sứ mạng lịch sử và tất nhiên con người sứ mạng lịch sử. Điều này có nghĩa cụ thể là trong giai đoạn lịch sử này, không làm tròn sứ mạng có một không hai này thì vĩnh viễn không còn cơ hội nào khác để thực hiện cả.[15]

*

Các Thánh tông đồ khi xưa đã làm được việc: Vinh danh Thiên Chúa trên trời, / Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Ngày nay những người tín hữu Cao Đài trong buổi bình minh của Tam Kỳ Phổ Độ hãy tin rằng chúng ta cũng là các Thánh tông đồ của Đức Cao Đài Thượng Đế một khi chúng ta ý thức rốt ráo con đường sứ mạng Kỳ Ba để thực hành bài học yêu thương, chung tay xây dựng thế nhân hòa cho nhân loại. Thánh Phê-rô dạy: “Vậy Thánh có đôi lời khuyến đạo. Như các Thánh tông đồ là Thánh dĩ vãng, còn chư đệ muội đây là Thánh hiện tại trong thời kỳ mở Đạo của Đức Chúa Trời. Vậy rán cố gắng lo tròn nhiệm vụ phẩm Thánh tại trần rồi sau cũng đắc vị phần vô vi, ảnh hưởng trọn vẹn nơi thế trần cùng Tiên cảnh đó.

Bực Thánh khi xưa cũng lập công,

Hiện giờ các Thánh rán tròn xong,

Vai tuồng lãnh đạo Trời giao phó,

Cho đúng phận hành chức sắc phong.”[16]

Cũng như các Thánh tông đồ thời Chúa Giê-su, trước những thử thách và cám dỗ của ma quỷ (qua sắc, tài, tửu, khí), và thập tam ma (lục dục thất tình) cũng có lúc chúng ta chao đảo vấp ngã, thối lui. Nhưng với việc “Đặt trọn lòng tin nơi Đức Chí Tôn và Đại Đạo” và “Quyết tâm nắm cờ Đại Đạo để cắm mọi nơi ngỏ hầu cứu độ toàn nhân loại” chúng ta cần phải “Khắc khổ nghiêm chỉnh bản thân và thương yêu tha nhân”. Và không gì cụ thể hơn là chúng ta cố gắng rèn luyện bản thân trong môi trường đạo sự cùng tập thể để thực hiện lời dạy của Thầy khi khai Đạo là “Buộc mỗi đứa phải độ cho đặng ít nữa là mười hai người”. Đó là cách gây men trong nhân thế. Làm được những việc như thế là chúng ta đang trên đường Thánh hóa bản thân, góp phần xây dựng xã hội đại đồng thánh đức” và chắc chắn sẽ là những Thánh tông đồ Kỳ Ba trong tương lai.

Kỷ niệm ngày Chúa Ki-tô giáng sinh, chúng ta nhắc lại lịch sử theo chiều kích Tam Kỳ Phổ Độ để ý thức lời Ngài đã dạy:

Toàn thể thế giới đồng đón rước Ta trong ngày Giáng Sinh. Ta rất lấy làm cảm kích tấm lòng ngưỡng mộ ấy, song Ta khuyên tất cả nhơn loài nên vì Ta, vì sự tưởng nhớ đến Ta mà nên nghe lời Cha Ta, Đức Giê-hô-va hay Cao Đài Thượng Đế đã truyền dạy từ muôn thuở đến bây giờ. Bởi cớ Ngài là chủ tể lẽ thật. Ta thừa lịnh Ngài tuyên bố lẽ thật cho loài người tiếp lấy trên sự sống của cuộc đời. Đó là Ta gần gũi chư hiền nhơn loại mãi mãi, lựa là phải đón rước mỗi năm một lần.[17]

Từ đây chúng ta khẳng định “Nghe lời Cha Ta, Đức Cao Đài Thượng Đế ” là tin và làm theo những điều dạy bảo của Ngài. Đó là:

- Đức Giê-hô-va, Đức Cao Đài Thiên Chúa, là Cha Trời chung.

- Nhân loại, không phân biệt màu da sắc tóc, đồng là anh chị em.

- Dầu theo tín ngưỡng, thuộc tôn giáo nào đi nữa, tất cả nhân loại đều là huynh đệ đại đồng.

- Vậy hãy thực hành yêu thương nhau. Hãy yêu thương Thiên Chúa trong mỗi anh chị em chúng ta dầu là người nghịch với mình.

Cụ thể hơn, chúng ta phải ý thức rằng sứ mạng của dân tộc được chọn là phổ độ toàn nhân loại, xây dựng thế giới đại đồng. Để có thể góp phần vào sứ mạng chung, mỗi tín hữu Cao Đài phải luôn cố gắng siêng năng tu học và hành đạo đúng với tinh thần thuần chơn vô ngã và luôn tin rằng:

Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.

ĐẠT TƯỜNG


[1] Ba mươi tuổi.

[2] Gioan Tẩy Giả.

[3] Tiên Thiên Thánh Huấn, Q. 3, tr. 25, Tòa Thánh Châu Minh, 14-11 Mậu Tuất (24-12-1958).

[4] Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên.

[5] Nguyễn Trung Hậu, Đại Đạo Căn Nguyên.

[6] Huờn Cung Đàn, 06-11 Mậu Thân (25-12-1968).

[7] Huờn Cung Đàn, 14-10 Tân Hợi (01-12-1971).

[8] Huờn Cung Đàn 10-11 Quý Mão (25-12-1963).

[9] Trung Hưng Bửu Tòa, 15-10 Mậu Tuất (25-11-1958).

[10] Thánh thất Bàu Sen, 07-11 Tân Hợi (24-12-1971).

[11] Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ (25-12-1966).

[12] Thánh thất Bàu Sen, 17-11 Kỷ Dậu (25-12-1969).

[13] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[14] Đức Chí Tôn, Cao Đài Giáo Lý số 58 (1970), Chiếu Minh Đàn Cần Thơ (1927).

[15] Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, 11-8 Bính Dần (14-9-1986).

[16] Thánh Phê-rô, Huờn Cung Đàn, 26-11 Mậu Tuất (25-12-1959).

[17] Thánh thất Bàu Sen, 17-11 Kỷ Dậu (25-12-1969).

Không có nhận xét nào: