Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

HỌC KINH THÁNH TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

HỒNG PHÚC

Cách đây hơn hai ngàn năm, Chúa Giê-su đã giáng sinh để mở con đường đưa con người tìm đến sự bình an nơi cõi thế, đồng thời dẫn dắt con người trở về nước Trời là quê hương xưa cũ sau khi rời bỏ xác thân tứ đại. Kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh phải được hiểu là một sự nhắc nhở những ai có niềm tin nơi Đấng Cứu Thế hãy thắp lên ngọn tâm đăng để tìm thấy sự cứu rỗi từ Ngài.

Hơn hai ngàn năm trôi qua, những lời dạy của Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài vẫn còn in đậm trên những dòng Kinh Thánh, kim chỉ nam của hàng tỷ con chiên Thiên Chúa Giáo trên hành tinh này. Tưởng nhớ đến Đức Giê-su, không gì hơn là học lại những điều Ngài đã dạy để tìm ra chân lý góp vào hành trang trên đường quay về với Thiên Chúa, cội nguồn Thượng Đế Chí Tôn.

Tuy nhiên, như lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nói trong bài diễn văn đọc trước Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng: Kinh Thánh có ảnh hưởng trong suốt các thế kỷ. Tiến trình thường xuyên ‘hiện đại hóa’ là nhằm thích nghi việc giải thích Kinh Thánh cho phù hợp với não trạng và ngôn ngữ đương thời. Đặc tính cụ thể và trực tiếp của ngôn ngữ Kinh Thánh bắt nguồn trong một nền văn hóa cổ gây ra nhiều khó khăn. Vì thế, chúng ta phải không ngừng chuyển dịch lại tư tưởng Kinh Thánh sang ngôn ngữ đương thời, để Kinh Thánh được diễn tả theo những cách thế phù hợp với thính giả… Phải làm sao để lời Chúa xuất hiện trong tất cả vẻ huy hoàng chói lọi, cho dù lời này ‘được diễn tả bằng tiếng nói của loài người.’ (Dei Verbum 13).

Ngày nay, Kinh Thánh đã được phổ biến trên khắp mọi lục địa và mọi quốc gia. Nhưng muốn cho Kinh Thánh đạt hiệu quả sâu xa, cần phải có một sự hội nhập văn hóa tùy theo đặc tính riêng của từng dân tộc. Có thể các dân tộc ít bị ảnh hưởng những sai lệch của văn minh phương Tây hiện đại sẽ hiểu sứ điệp Kinh Thánh dễ dàng hơn những dân tộc đã trở nên gần như lãnh đạm đối với tác động của lời Thiên Chúa, vì trào lưu tục hóa và những thái quá của trào lưu giải trừ huyền thoại.

Thời đại chúng ta cần phải có một nỗ lực lớn lao, không chỉ về phía các học giả và những nhà giảng thuyết, nhưng cả phía những người đang làm cho tư tưởng Kinh Thánh đến được với quảng đại quần chúng: họ phải sử dụng mọi phương tiện có thể có được – ngày nay có rất nhiều – để làm cho tầm mức phổ quát của sứ điệp Kinh Thánh được nhận biết rộng rãi và hiệu năng cứu độ của Kinh Thánh có thể bộc lộ ở khắp nơi nơi.[1]

Trong tinh thần đó, những người môn đồ của Đức Cao Đài trong Tam Kỳ Phổ Độ tự nhận thấy có trách nhiệm hiểu và giúp người khác cùng hiểu đúng đắn những lời Kinh Thánh với hàm nghĩa cao sâu ẩn áo của lý Đạo nhiệm mầu – chỉ có một từ ngàn xưa cho mãi đến ngàn sau – nhất là do bởi đã có diễm phúc được chính Đức Giê-su truyền dạy qua huyền cơ diệu bút, xác nhận sự hiện hữu của Ngài trong cơ phổ độ Kỳ Ba: “Kìa! Nay là ngày tất cả trời Âu đều ca tụng, lòng thành kỉnh ấy cầu mong Ta giáng thế để ban quyền pháp cho các con chiên như lời tiên tri xưa kia. Các con chiên đang chờ đón, vì lòng tin ta ban sự vinh hiển cho thế gian, là chữa được biết bao bệnh tật được mạnh lành. Vì lòng tin vô tận ấy mà các con chiên không hề phai lợt. Vì lòng tin, cũng như lời tiên tri xưa kia còn dấu vết, ngày nay một ánh sáng bừng dậy nơi góc trời Nam sáng tỏ, đó là Đấng Cứu Tinh Cha Trời giáng thế, mà giáng thế với một danh từ mới lạ, tùy theo dân tộc mà phổ nghi, làm cho các con chiên của Ta cho đó là một điều nghi hoặc không đạt được cội nguồn mà phụng sự Ta trong lúc hạ kỳ tái thế.” * [2]

Sách Khởi Nguyên nói Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người trong sáu ngày, ngày thứ bảy Chúa nghỉ. Thiển nghĩ, con số sáu ngày sáng tạo vũ trụ này phải chăng cũng trùng hợp với sáu hào trong một quẻ của Kinh Dịch tượng trưng cho sáu giai đoạn mà tất cả mọi sự vật, sự kiện diễn ra trong vũ trụ đều phải trải qua. Chúng ta biết rằng Kinh Dịch của Khổng Giáo với 64 quẻ biểu hiện cho tất cả những tình huống, trạng thái, giai đoạn, không gian và thời gian của vũ trụ vạn vật. Riêng hai quẻ đầu mối là Kiền (tượng trưng cho trời) có thêm hào Dụng Cửu và Khôn (tượng trưng cho đất) có thêm hào Dụng Lục được xem như là hào thứ bảy, phải chăng chính là ngày của Chúa trong Kinh Thánh?

Đối với sự sáng tạo con người, sách Khởi Nguyên trình bày lời Thiên Chúa: “Thiên Chúa phán: Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta…” (Khởi Nguyên 1: 26) Trong khi đó, Sách Thứ Luật nói rằng Thiên Chúa không có hình tượng nào giống như hình tượng thế gian. Điều đó có nghĩa Thiên Chúa là Đấng siêu hình, làm sao họa hình ảnh của Thiên Chúa? Đó phải chăng là muốn nói đến Thiên tính, Phật tính, chân tâm, hay bản lai diện mục hiện diện trong mỗi con người mà Cao Đài còn gọi là tiểu linh quang?

Thiên Chúa đã dựng nên một người độc nhất và là đàn ông: Ðức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật.” (Khởi Nguyên 2: 7). Còn đàn bà thì được Thiên Chúa dựng nên sau cả dã thú và chim trời, bằng cách làm cho đàn ông ngủ mê, rồi lấy một xương sườn tạo thành người đàn bà. A-đam là nhân vật nam tượng trưng cho năng lực dương và E-và là nữ biểu hiện cho năng lực âm. Chúa lấy một xương sườn của A-đam để tạo thành E-và để xác định nguyên lý “âm dương chỉ thị nhứt khí”, trong đó “dương trung hữu âm” hoặc “âm trung hữu dương” tức là tính chất hằng thường của vũ trụ: trong dương có âm hoặc trong âm có dương.

Học Kinh Thánh Cựu Ước, ai cũng biết huyền thoại về A-đam và E-và là tổ tông của loài người. Chương 3 sách Khởi Nguyên trình thuật về việc “sa ngã phạm tội” của hai ông bà xuất phát từ sự cám dỗ của con rắn xúi bà E-và ăn trái cấm trong vườn Địa Đàng (Ê-đen) và cho chồng cùng ăn. Trái cấm ấy là trái của “cây sự biết tốt xấu” mà Ya-vê Thiên Chúa đã truyền dạy A-đam khi được giao canh tác giữ vườn: Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết. (Khởi Nguyên 2: 16)

Huyền thoại này đã gây biết bao sự hoang mang, nghi ngờ, chỉ trích, thậm chí chống đối trong thế giới loài người, không chỉ người ngoại đạo mà kể cả tín đồ Thiên Chúa Giáo. Bởi vì có nhiều chi tiết vô lý đối với tư duy của con người, nhất là đó là lý do mà con người phải chịu nhiều khổ sở đày đọa vì tội của tổ tông bất tuân lời Thượng Đế.

Thật ra, vấn đề tranh cãi là vì con người chỉ hiểu theo nghĩa đen mà không đào sâu để tìm thấy ý nghĩa ẩn tàng huyền nhiệm, bởi vì cách dạy đạo của các vị giáo tổ là mượn sự để cầu lý.

A-đam nguyên thủy tượng trưng cho con người chứa đựng tiểu linh quang uyên nguyên thuần phác, tinh khiết thanh cao chiết xuất từ khối Đại Linh Quang Thượng Đế để thay Ngài tiếp tục công cuộc hóa sanh và trưởng dưỡng muôn loài nơi cõi hữu vi. Để thích ứng với môi trường vật chất của cõi trần gian, A-đam nguyên thủy vốn mang tính nhất nguyên phải có thêm một bộ mặt khác, linh hoạt phù hợp với tính chất nhị nguyên đối đãi, cho nên mới được Thượng Đế ban cho “người vợ” là E-và. A-đam và E-và chính là hai phần không thể tách rời trong mỗi con người. A-đam là phần dương hay nguơn thần mà cũng gọi là hồn, là phần tinh anh sáng suốt có thể gọi là lương tâm, là chơn ngã trong đó có mầm Thiên tính. E-và là phần âm hay thức thần, mà cũng gọi là phách, là phần vọng động, thiên về vật chất với nhiều dục vọng ham muốn, mà ta thường gọi là phàm ngã, dễ bị lôi cuốn, cho nên mới bị con rắn cám dỗ. Con rắn đây cũng chỉ là sự tượng trưng dục vọng con người.

Con người được Đức Thượng Đế cho xuống trần gian để làm sứ mạng “thế Thiên hành hóa”, nhưng rồi đã để cho phàm ngã điều động chỉ huy theo dục vọng ham muốn hưởng thụ. Chơn ngã mất ngôi và con người bị sa vào chỗ đọa lạc, được thể hiện qua việc A-đam và E-và bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng.

Qua Cựu Ước, Thượng Đế đã từng nói chuyện với A-đam và E-và trong vườn Địa Đàng đầy hoan lạc. Vườn ấy có bốn con sông chảy ra bốn phương trời. Khảo sát cơ thể học, trong óc não con người, nơi chính giữa óc có một động trống gọi là não thất ba, chung quanh có một vòng động mạch gọi là Willis, từ vòng động mạch này phát xuất ra bốn động mạch dẫn máu lưu thông tới bốn phương óc. Như vậy, phải chăng vườn Địa Đàng là một cách nói ẩn dụ, nó nằm sẵn trong con người và chính là nơi Thượng Đế ngự và đối thoại với con người qua tiếng nói của lương tâm?

Khi chưa ăn trái “cây sự biết tốt xấu”, A-đam và E-và sống hạnh phúc trong vườn Địa Đàng chung với muông thú như là anh em, chỉ ăn hoa quả, bởi vì lúc này con người còn trong thời kỳ “tâm hư” của thế giới nhất nguyên. Sau khi nghe lời con rắn rồi ăn trái cấm, bắt đầu biết hổ thẹn, tức là bắt đầu giai đoạn nhị nguyên hóa tâm thức con người với đầy đủ thất tình lục dục. Đây là quá trình khởi sự tách con người ra khỏi vạn vật, làm chủ vạn vật vì con người có trí khôn. Tuy nhiên, cũng từ đó, con người đánh mất hạnh phúc thật sự ban sơ, và bước vào thế giới của sự khổ đau; khổ đau do bởi ý muốn thỏa mãn những dục vọng càng ngày càng nhiều. Hậu quả to lớn nhất là con người đã đánh mất mối dây liên lạc thiêng liêng với Thượng Đế, cũng đồng nghĩa mất sự sống thiêng liêng, tức là “chết” trong ý nghĩa Ya-vê Thiên Chúa phán dạy A-đam.

Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước đều được xem là khó hiểu vì cách hành văn do việc dịch thuật, do sự khác biệt văn hóa, cách diễn giải ngôn ngữ… Vì không có sự tìm hiểu, nên nhiều người có cái nhìn dị biệt với Thiên Chúa Giáo, nhưng thật ra chân lý của các tôn giáo từ xưa đến nay chỉ có một. Ngay cả trong việc ăn chay, ngay từ lúc sáng tạo con người, Kinh Thánh đã ghi lời Thiên Chúa: Ðây Ta ban cho các ngươi mọi thứ cỏ mang hạt giống trên khắp mặt đất, và mọi thứ cây có trái mang hạt giống, để làm lương thực cho các ngươi.”(Khởi Nguyên 1: 29)

Bởi vì chúng ta biết A-đam và E-và sống trong vườn Địa Đàng cùng với muông thú, nên chắc chắn rằng không có việc ăn thịt loài vật, dù là loài côn trùng nhỏ bé: Mọi loài vật nhỏ lúc nhúc trên mặt đất là vật kinh tởm, không được ăn. Mọi con vật bò bằng bụng, mọi thứ đi bằng bốn chân hay nhiều chân hơn, tóm lại mọi loài vật lúc nhúc trên mặt đất, các ngươi không được ăn, vì chúng là vật kinh tởm. Các ngươi đừng làm cho chính mình ra kinh tởm vì mọi loài vật nhỏ lúc nhúc, các ngươi đừng làm cho mình ra ô uế vì chúng: các ngươi sẽ ra ô uế vì chúng. Thật vậy, Ta là Ðức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi; các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là Ðấng Thánh; các ngươi đừng làm cho chính mình ra ô uế vì mọi loài vật nhỏ bò trên đất.” (Lê-vi 11: 41-44)

Chữ Thời, yếu tố không thể thiếu trong sự vận động của toàn vũ trụ, trong đó có đời sống con người, được xem là cốt lõi của sự biến dịch trong Dịch lý phương Đông. “Tùy thời chi nghĩa đại hỷ tai” (lớn lao thay cái nghĩa lý của việc tùy theo thời) cũng được đề cập rất chi tiết trong Kinh Thánh: Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa.” (Giảng Viên 3: 1-8)

Đoạn văn trên đã khẳng định chân lý chỉ có một, dù phương Đông hay phương Tây đều gặp nhau. Tất cả mọi sự mọi việc xảy ra trong trời đất đều không phải ngẫu nhiên mà do sự biến dịch tùy theo thời. Người biết tùy thời là sống theo Thiên đạo, tức là sống theo quy luật thường hằng của Thiên Chúa mà Trình Tử của phương Đông đã nói: “Tùy thời biến dịch dĩ tòng đạo dã.” (Tùy thời biến đổi để mà giữ đạo lý vậy.)

Kinh Thánh đã nói về bữa tiệc ly như sau:

Ðức Giêsu biết rằng Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên bấy giờ Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ðức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-mon Phê-rô, ông liền thưa với Người: ‘Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?’ Ðức Giê-su trả lời: ‘Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.’ Ông Phê-rô lại thưa: ‘Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!’ Ðức Giê-su đáp: ‘Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.’ Ông Si-mon Phê-rô liền thưa: ‘Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.’ Ðức Giêsu bảo ông: ‘Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!’ Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: ‘Không phải tất cả anh em đều sạch.’

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Ðức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: ‘Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.

Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì phúc cho anh em!” (Gioan 13: 3-17)

Câu chuyện ghi trong Kinh Thánh hơn hai ngàn năm trước đã được chính Đức Giê-su giáng cơ nhắc lại với các môn đồ của Đức Cao Đài vào năm 1963 không chỉ nhằm ôn lại cho con người bài học khiêm tốn, hạ mình cần thiết trên đường trở lại nước Trời mà còn là một sự khẳng định nơi cõi trần ai trọng trược, không một ai tránh khỏi lỗi lầm cho nên phải dìu dẫn đỡ nâng san sẻ giúp nhau vượt qua bỉ ngạn tìm về bến giác:

“Sau đây Ta cũng nhắc câu chuyện này: Khi Ta sắp bị đóng đinh trên thập tự giá, Ta cùng các tông đồ Ta hội hiệp nhau, để chung một cuộc lễ tiến hành giã từ kẻ tiên người tục, thì Ta dạy các tông đồ Ta hãy rửa chân nhau, nhưng không một tông đồ nào dám hạ mình để rửa chân. Ta mới đi rửa từng môn đồ ta cho sạch sẽ hai bàn chân.

“Với lý này, là con người ở thế, hễ còn làm là còn lâm vấp tội lỗi, cũng như còn đi là còn dính bụi hai bàn chân, nên phải rửa vần công với nhau mới kỹ lưỡng, sạch sẽ; hạ mình để thực hành thánh ý Ta dạy, nhưng khi Ta thăng thiên rồi, các tông đồ Ta mới trọn đức tin, và thi hành đúng đắn theo lời Ta dạy từ trước, mới được đắc quả vị cả thảy.” [3]

Kinh Thánh cũng ghi lại những phép lạ mà Đức Giê-su đã thực hiện với ý nghĩa của sự bày tỏ quyền năng Thiên Chúa và xác minh sứ vụ Thiên sai của mình, trong đó có câu chuyện Ngài cùng các môn đồ lên thuyền ra biển, giữa biển khơi bỗng nổi sóng to, trong khi Ngài ngủ. Các môn đồ của Ngài sợ hãi, đánh thức Ngài dậy và Ngài đã thị hiện phép lạ, ra lệnh cho biển lặng tức thì. Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Ngài nhắc lại câu chuyện ấy với lời giải thích như sau: “Về phần vô vi chơn đạo, từ khi sanh tiền, Ta có dạy các môn đồ Ta một lý huyền diệu khéo léo này: Là một khi Ta cùng tông đồ cỡi thuyền đi ra biển Ga-li-lê, Ta đang nằm mê man ngủ thì thuyền lại bị sóng gió ba đào sắp nhận chìm thuyền. Các tông đồ chừng ấy mới nhớ đến Ta, đánh thức Ta dậy. Ta liền bảo: ‘Biển sóng gió ôi, hãy lặng yên đi!’ Tức nhiên biển lặng tức thì. Lý ấy là tâm con người, như biển lòng, hễ gặp việc gì trở ngại như sóng gió ba đào cần phải giữ đức tin, đánh thức tâm linh, bảo biển lòng hãy lặng an thì mọi sự yên ổn vậy.” [4]

Khi nói đến vấn đề luân hồi nghiệp quả của con người thì thường chúng ta liên tưởng đến giáo lý Phật Giáo, nhưng trong Kinh Thánh, Đức Chúa Giêsu cũng đã từng nói với môn đệ của Ngài:Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. (Mát-thêu 1: 34-36)

Lời nói này của Chúa đầy tính ẩn dụ sâu sắc mà nhiều người cho rằng mang tính mâu thuẫn với lời hát của các Thiên thần sau khi Chúa được sinh ra: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. (Lu-ca 2: 14)

Mà Chúa thương tất cả loài người ở thế gian vì Ngài là Huynh Trưởng, thì phải chăng việc Chúa mang gươm giáo đến trần gian để gây chia rẽ cho những người có liên hệ huyết thống sống cùng dưới một mái nhà là điều hết sức phi lý. Tuy nhiên, “Kẻ thù của mình chính là người nhà”; thoạt tiên mới nghe vô lý, nhưng suy cho cùng thì đó là sự thật vì chỉ những người có duyên nghiệp, nợ nần với nhau từ kiếp trước mới sinh ra trong cùng một nhà ở hiện kiếp. Những người gây khổ cho ta lại chính là những người gần gũi thân thiết với ta nhất. Do đó, để đoạn trừ nghiệp lực, chặt đứt mọi oan khiên để tìm đến bến bờ giải thoát, không còn con đường nào khác hơn là con đường tu hành theo chân Chúa. “Chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng” chỉ là một cách nói diễn tả ý nghĩa giải trừ nghiệp chấp, dứt nợ tiền khiên bằng gươm thần huệ của chính mỗi người. Bởi vì trong trường hợp này, nếu con người luôn được sự bình an hạnh phúc thì chắc chắn con người sẽ mãi mãi ở lại thế gian, cột chặt linh hồn trong vòng sanh tử luân hồi chuyển kiếp.

Do đó, mặc dù trong Kinh Thánh Thiên Chúa, không thấy đề cập trực tiếp đến khái niệm Thiên Đạo đại thừa nhưng Chúa Giê-su có dạy rằng con người muốn vào nước Trời phải được tái sinh: “Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi Ơn Trên. (…) Thật, tôi bảo thật ông, không ai có thể vào nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt; còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí.” (Gioan 3: 3; 5-6). Phải chăng đây chính là lời dạy về công phu của Đức Giê-su, vì con người chỉ có thể giải thoát nhờ công phu thiền định, và việc công phu chỉ đạt được hiệu quả rốt ráo khi nào hành giả tiếp nhận được sự điểm đạo của Thiêng Liêng. Chúa dùng chữ “tái sinh”, sinh trở lại, không phải là sự sinh về thể xác, mà chính sự sinh về tinh thần, sự phục hồi chơn thần do việc luyện đạo để tạo nhị xác thân, đạt đến tình trạng mà Kinh Thánh gọi là “con đường thơ ấu” là con đường dẫn đến nước Trời, vì những ai muốn vào được Nước Trời hãy trở nên như trẻ nhỏ: “Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giê-su rằng: ‘Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong nước Trời?’ Ðức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: ‘Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất nước Trời.” (Mát-thêu 18: 1-4)

Đây chính là khái niệm “xích tử chi tâm” (tâm con đỏ) của Đức Lão Tử và “anh nhi chi tâm” của Đức Mạnh Tử để chỉ tâm con người tu luyện đến mức hồn nhiên, đạt đạo, không còn sự phân biệt nhị nguyên, mà trở về với lẽ Một của cõi nhất nguyên.

Không dừng ở đó, Kinh Thánh còn đi sâu hơn trong ý nghĩa của việc công phu luyện đạo qua cách nói hết sức ẩn dụ, mơ hồ: “Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.” (Mát-thêu 10: 37-39)

“Không xứng với Thầy” phải chăng hàm nghĩa giải thoát. Ở đây, Đức Giê-su muốn nói rằng nếu chỉ thiên về thế đạo, con người không thể giải thoát, tức là trở về cùng Đức Chúa Cha, mà phải bước vào Thiên Đạo, được hình tượng hóa bằng việc “vác thập giá mình mà theo Thầy”. Trong Đại Thừa Chơn Giáo, Đức Chí Tôn giảng về Thập Tự Tam Thanh: Cái sổ dài xuống là nhứt dương chi khí hay là hạo nhiên khí. Còn cái ngang qua là nhứt âm chi khí hay là huyền khí. (…) Hai điển-quang ấy gát chồng nhau (lằn điển dương nằm trên, lằn điển âm nằm dưới), kêu rằng lưỡng nghi.” [5] Hiểu một cách khái quát, nơi con người, thập tự tượng trưng cho việc luyện đạo, âm dương hỗn hiệp, thần khí giao hòa, trở lại tiên thiên đoạt ngôi Hoàng Cực tức đắc đạo, tiến hóa lên hàng siêu xuất thế gian.

Tuy nhiên, để việc luyện đạo được kết quả, công phu phải đi đôi với sự luyện kỷ, và đây là chỗ mà trong Kinh Thánh dạy con người muốn vào nước Trời: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mat 7: 13-14)

Vào cửa hẹp tức là tự chế phục, ràng buộc mình vào quy điều, giới luật để kềm chế những dục vọng, thất tình là những sự cản trở con đường đi tìm giải thoát. Đó là con đường chiến đấu với bản thân, chiến đấu với mọi thói hư tật xấu của phàm ngã tối tăm đã bám sâu gốc rễ từ vô lượng kiếp mà Đức Lão Tử đã dạy: “Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả hữu cường.”(Thắng được người là có sức, mà thắng được chính mình là người mạnh.)

Việc khắc kỷ không chỉ dừng lại ở việc sửa đổi bản thân mình từ xấu ra tốt, mà còn phải quan tâm đến tha nhân như Đức Giê-su dạy: Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta…” (Mát-thêu 7: 12). Câu này tương tự như lời dạy trong sách Luận Ngữ: “Điều gì mình không muốn, đừng làm cho người.

Chúa dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em, đừng chống cự người ác; trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.” (Mát-thêu 5: 38-41) Câu này cùng ý nghĩa với lời Đức Lão Tử dạy “Lấy đức báo oán”, và lời Đức Phật dạy:“Lấy đức báo oán, oán oán tiêu tan. Lấy oán báo oán, oán oán chập chùng..

Từ đó, sự tha thứ cũng là một điều cần thiết để con người thánh hóa bản thân mà Kinh Thánh đã ghi lại lời Chúa: “Nếu người anh em của anh xúc phạm đến anh, thì hãy khiển trách nó; nếu nó hối hận, thì hãy tha cho nó. Dù có xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh ‘Tôi hối hận’, thì anh cũng phải tha cho nó.” (Lu-ca 17: 3-4)

Một lần kia, Phê-rô tiến lại nói với Ngài:Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ðức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mát-thêu 18: 21-22)

Kinh Thánh có câu: Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán, vì anh em xét đoán thế nào, thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy; và anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy. ” (Mát-thêu 7: 1-2)

Đây chính là luật nhân quả báo ứng mà Chúa Giê-su nhắc lại trong Tam Kỳ Phổ Độ: “Đây Ta cũng nhắc lại những lời dạy của Ta khi xưa với các tông đồ rằng các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con vậy và các con hãy yêu thương những kẻ ghét con, và làm ơn cho những kẻ bắt bớ vu cáo các con, để xứng đáng là con của Cha trên Trời, là Đấng đã làm cho mặt trời mọc, soi người lành, người dữ, làm mưa xuống cho người công chánh và người tội lỗi, và các con không nên phán xét ai, để khỏi bị phán xét. Bởi luật vô vi, không ai thoát khỏi ngày phán xét đại đồng cả và thế gian, dù người chết, cùng người sống, cũng thưởng phạt rất đúng mức công bình.” [6]

Kinh Thánh dạy con chiên cách tích trữ kho tàng cho mình trên trời. Theo giáo lý Cao Đài, đó chính là phần công quả mà mỗi người tu giải thoát không thể thiếu: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó.”(Mát-thêu 6: 19-21)

Công quả chỉ có giá trị khi nào được thực hiện trong tinh thần vô cầu, vô kỷ, vô lợi, vô danh. Đức Giê-su nhấn mạnh tới cách bố thí:Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh. (Mát-thêu 6: 1-4)

Đây là đoạn Kinh Thánh nói đến sứ mạng vi nhân của con người nơi cõi thế: ‘Anh em biết, thủ lãnh các dân thì lấy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng uy mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy. Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con của Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.(Mát-thêu 20: 25-28)

*

Những trang Kinh Thánh với ý nghĩa tìm thấy, chính là một sự khẳng định: Chân lý từ ngàn xưa cho đến mãi ngàn sau vẫn bất biến trên tinh thần nền tảng vạn giáo đồng nhất lý, trong đó tôn giáo chỉ là con đò đưa khách mà Đạo là bến đỗ. Tất cả các con thuyền đều xuôi về bến đỗ. Và sự hiện hữu của Đức Giê-su Ki-tô trong sứ mạng Kỳ Ba của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ là một minh chứng cụ thể cho giá trị của một con người với đầy đủ khả năng tiến hóa vượt khỏi thế giới hữu hình để trở nên con người muôn thuở muôn phương, bất tử với thời gian và hằng hữu với không gian.

Hơn hai ngàn năm đã qua, một chu kỳ vũ trụ sắp kết thúc, Đức Chúa Giê-su vẫn luôn đồng hành cùng với con người để dẫn dắt con người về lại quê hương đích thực nơi nước Trời. Hãy cùng nghe tiếng nói của Ngài:

“Hỡi này các con chiên yêu dấu! Sao nỡ quên câu tiên tri ‘Ngày giờ đây các người yêu dấu Ta bao nhiêu, thì ngày sau sẽ trở lại oán ghét bấy nhiêu, vì trong hai ngàn năm có tận thế. Đó là ngày Ta xuống thế, mà Ta xuống thế như kẻ trộm. Vậy các ngươi hãy canh chừng chờ đón.” [7]

“Ta chứng lòng thành kính của tất cả nhân loại. Trong buổi hạ nguơn mạt kiếp tận thế lập đời này, ai biết hồi tâm tỉnh ngộ, tròn đức tin với Đấng Cha Trời, hành tròn nhiệm vụ cứu nhơn độ thế toàn thiện, toàn mỹ thì ngày đại đồng phán đoán tại thế gian này, tức là ngày Đại Hội Long Hoa, công thưởng, tội trừng. Mỗi một phần tử nhân loài đều quỳ trước án để lãnh tội hay phước do Đức Cha Trời cùng trong Tam Giáo định đoạt phân minh đúng lẽ công bình.

(…)

“Ta rất mừng cho các môn đồ Ta trên hoàn cầu ngày nay tinh thần đạo đức tiến đến chỗ duy nhứt, không còn câu nệ về phần hình thức, giáo điều của mỗi tôn giáo nữa; biết tầm hiểu được chỗ chơn lý duy nhứt là tôn giáo nào cũng có vị giáo chủ lãnh sứ mạng nơi Đức Chúa Trời xuống thế trần, tùy địa phương, hoàn cảnh, trình độ thích hợp nhân tâm mà mở Đạo trong những thời kỳ.

“Đến nay buổi hạ nguơn mạt kiếp mà trước kia lời tiên tri của Ta gọi là tận thế, thì nay, chư môn đồ, ai là người hữu Đạo dù trong tôn giáo nào cũng nhìn nhận đã đến cuộc giáp mối tuần huờn, nên Đức Cha Trời chính mình Ngài xuống trần bằng điển quang lập Đại Đạo Kỳ Ba chơn truyền tại nước Việt Nam.

“Rất hân hạnh, rất hữu phước thay cho dân tộc Việt Nam vì còn giữ được bản căn từ thiện, nên buổi cuối cùng mới ngộ được chơn truyền của Đại Đạo.” [8]

Thích, Nho, DA , Lão một đường về,

Chánh tín bồi thoát muội mê,

Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ,

Một trời CHỦ tể khắp tư bề.[9]

HỒNG PHÚC

Mùa Giáng Sinh 2005


[1] Lý Minh Tuấn, Công giáo và Đức Ki-tô – Kinh Thánh qua cái nhìn từ Đông Phương. Nxb Tôn Giáo, tr. 24-25.

[2] Những trích dẫn được đánh dấu * đều là thánh giáo trong đạo Cao Đài, tuy nhiên người viết không ghi rõ xuất xứ.

[3] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão 24-12-1963.

[4] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão (24-12-1963).

[5] Đàn ngày 28-8 Bính Tý (1936), bài Thập Tự Tam Thanh.

[6] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão (24-12-1963).

[7] Huờn Cung Đàn, 16-11 Kỷ Dậu (24-12-1969).

[8] Huờn Cung Đàn, 25-11 Kỷ Hợi (24-12-1959).

[9] Huờn Cung Đàn, 03-12 Ất Tỵ (25-12-1965).

Không có nhận xét nào: