Thứ Tư, 2 tháng 1, 2008

CHÚA KI-TÔ NGÀY XƯA VÀ CHÚA KI-TÔ NGÀY NAY


HUỆ Ý

Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ: Thời đại hội thông của tất cả tôn giáo. Tôn giáo là cửa vào tìm Đạo. Chúng ta có thể tìm Đạo bằng cánh cửa nào cũng được: cửa Phật Giáo, cửa Lão Giáo, cửa Nho Giáo, cửa Ki-tô Giáo. Ngày nay lại có một cánh cửa đặc biệt, cửa Tam Kỳ Phổ Độ, cửa Đại Đạo, hễ vào cửa này cũng tương tự như bước qua tất cả các cửa khác. Cho nên, người tín hữu Đại Đạo: Tháng 2 âm lịch: kỷ niệm Đức Thái Thượng Đạo Tổ (Lão). Tháng 4 âm lịch: kỷ niệm Đức Thích Ca Mâu Ni (Phật). Tháng 8 âm lịch: kỷ niệm Đức Khổng Thánh (Nho). Tháng 12 dương lịch: kỷ niệm Đức Da Tô Giáo Chủ (Chúa).

1. Chúa Ki-tô ngày xưa

Vào mùa đông xa xưa, có một vì sao lạ mọc trên bầu trời Bê-lem, chính lúc đó một tin mừng cho toàn thể nhân loại được thiên sứ loan báo, đó là: “Thiên Chúa làm người để cho mọi người sẽ trở nên Thiên Chúa.” (Thánh Athanasius). Đấng Thiên Chúa làm người ấy là Chúa Ki-tô.

Thiên Chúa làm người. Thiên Chúa lựa chọn người nữ thánh thiện để tạm ngụ, đó là Mẹ đồng trinh Ma-ri-a, Thiên Chúa trao phó trách nhiệm săn sóc tuổi thơ ấu của mình cho người nam trung tín, hiền hòa, người nam ấy đã trở nên Thánh Giu-se.

Thiên Chúa làm người, Ngài đã lâm trần trong thân phận thấp hèn nhứt: Chào đời ở một máng cỏ trong hang đá, lớn lên lại làm việc trong một trại mộc. Rồi ngọn lửa thiên chân trong Ngài vụt sáng thành ánh đuốc vĩ đại, Ngài bước đi và hướng dẫn muôn dân.

Muôn dân khổ, Chúa Ki-tô khóc (Gioan 11: 36). Chúa Ki-tô cứu khổ, bàn tay Ngài đã chữa cho bao nhiêu người bịnh tật, lời dạy của Ngài đã cải hóa bao nhiêu tâm hồn tội lỗi, bước của Ngài chưa đi khỏi xứ Do Thái mà hiện nay hình bóng Ngài hiện diện khắp cả hoàn cầu.

2. Chúa Ki-tô và việc xây dựng địa đàng

Tương tự, như các đấng giáo tổ khác, Chúa Ki-tô cũng dạy hai lãnh vực: nhơn đạo và thiên đạo.

Mục đích của nhơn đạo là xây dựng cho loài người một xã hội thái hòa, muốn thế con người phải tha thứ và hòa hiệp.

Ở Nhứt Kỳ Phổ Độ, tâm linh nhơn loại tiến hóa ở mức hết sức giới hạn, muốn cho con người đừng sát hại nhau, Thánh Mô-se chỉ đem lý nhân nào quả nấy để răn đe con người: “Mắt đền mắt, răng đền răng.” Câu này được định chế hóa làm nền tảng cho nhơn luật. Người nào gây thiệt hại cho người khác, thì phải bồi thường. Địa đàng là thiên đàng tại thế, người sống nơi đó là thiên thần hữu hình và luật pháp áp dụng là luật pháp của thiên thần. Chúa Ki-tô dạy: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn lớn nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mát-thêu 22: 37-39). Tình thương chính là luật pháp, ai không thương là phạm tội. Vì là luật của thiên thần, điều luật thương yêu này cho đến ngày nay vẫn chưa có bộ luật của thế gian nào ghi vào cả.

Thiên Chúa là Thầy. Học trò của Thiên Chúa là Thánh. Địa đàng là nơi con người chuẩn bị làm Thánh. Ai muốn thế hãy tôn trọng điều luật thương yêu và cứ thế hãy tha thứ và hòa hiệp cùng nhau.

“Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mát-thêu 5: 23-24)

Cho nên, chúng ta phải luôn luôn tha thứ cho nhau và không chỉ tha thứ một lần, mà phải tha thứ “bảy mươi lần bảy” (Mát-thêu 18:22).

Cho đến hôm nay, dù thế gian chưa trở thành địa đàng, điều đó không trở ngại cho việc hiện diện của nhân loài trên cõi thiên đàng. Ai sống như lời Chúa dạy sẽ lên Thiên Đàng.

3. Nẻo lên Thiên Đàng

Và kìa có một người đến thưa Ðức Giê-su rằng: ‘Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?’ Ðức Giê-su đáp: ‘Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.’ Người ấy hỏi: ‘Ðiều răn nào?’ Ðức Giê-su đáp: ‘Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ, và ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.’ Người thanh niên ấy nói: ‘Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?’ Ðức Giê-su đáp: ‘Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.’ Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.” (Mát-thêu 19: 16-22)

Chúng ta thấy từ nhơn đạo bước lên thiên đạo cần có một chuyển hóa tâm linh, một sự thăng hoa của con tim và khối óc, trái tim con người phải chết đi vì nó rất nguy hiểm (nhơn tâm duy nguy) thì nhịp đập nhẹ nhàng của trái tim đạo đức chúng ta mới có thể biết được (đạo tâm duy vi).

Thiên đạo là một sự chuyển hóa tình cảm. Lìa xa tính dục, hào quang thiên thần sẽ tỏ hiện.

Như thế, ai cưới người trinh nữ của mình, thì làm một việc tốt, nhưng ai không cưới, thì làm một việc tốt hơn.” (I Cô-rin-tô 7: 38)

Ðàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa, họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời, họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác.” (I Cô-rin-tô 7: 32-34)

Thánh khiết là điều thứ nhất để bước lên Thiên Đàng.

Vi nhân bất phú. Hành được đạo người thì không giàu sang.

Chúa Ki-tô không khuyên chúng ta nhịn đói để học đạo, hãy ăn nhưng “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Mát-thêu 6: 11) nếu còn lại, hãy đem phân phối cho mọi người.

Dư là giàu, giàu thì không đến được Thiên Đàng: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. (Mát-thêu 19: 24)

Thanh bạch là điều kiện thứ hai để vào nước Thiên Đàng.

Thiên đạo, chính là tu học, sửa chữa. Không những sửa cử chỉ, sửa lời nói mà quan trọng hơn cả là cải tạo tư tưởng, nơi sâu kín không ai thấy được, đó là nguồn gốc của mọi tội lỗi.

Anh em đã nghe luật dạy rằng chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết, ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi.” (Mát-thêu 5: 27-28)

Thiên đạo, chính là sống với nội tâm, sống với Đấng “đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mát-thêu 6: 8). Muốn sống với Thiên Chúa, chúng ta đừng “thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới? ”. (Mát-thêu 7: 3)

Xả phú cầu bần. Xả thân cầu Đạo.

Ít có người cầu Đạo, ít có người thánh khiết, ít có người thanh bạch và những người ít có ấy, sống theo lời dạy của Chúa Ki-tô đã trở nên những bậc đại thánh.

Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (Sáng thế ký 3: 19). Thân xác của Chúa Ki-tô đã hòa trong sa mạc những Thiên tính trong xác ấy: “Bây giờ Thầy đến cùng Ðấng đã sai Thầy.” (Gioan 16: 5)

Chúa Ki-tô trở lại Thiên Đường. Chúa Ki-tô vẫn lo lắng cho những người ở lại:

Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.” (Gioan 17: 16-19)

Phút tạm biệt

Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi.” (Gioan 16: 12).

Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.” (Gioan 16: 28)

4. Chúa Ki-tô tái lâm trong Tam Kỳ Phổ Độ

Hỡi các môn đồ, Ta đã đến,

Đến bằng linh điển hợp thời này. * [1]

Chúa Kitô đến trên ngọn linh cơ trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài đến tại xứ Do Thái nữa chăng?

Này hỡi môn đồ khắp địa cầu,

Hãy tìm coi Chúa giáng nơi đâu?

Nơi đâu thánh địa kỳ ngươn hạ,

Thì Chúa lai lâm cứu khổ sầu. *

Dân tộc Việt Nam được ban trao sứ mạng tiền phong trong Tam Kỳ Phổ Độ và Chúa Ki-tô lâm trần tại đây.

Ta đến với một mùa Đông đầy giá rét,

Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài,

Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,

Để cất tiếng từng hồi,gọi đàn chiên lạc lõng.

Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,

Sống muôn đời và sống mãi muôn đời,

Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.[2]

Ơn Trên dạy chúng ta: “Thời gian có sau trước, pháp môn có tân cựu.” * Chúa Kitô dạy:

Thời này một Chúa, một Trời Cha,

Bốn biển anh em sống một nhà.

Tranh lợi tranh quyền tranh chiến mãi,

Chung ăn chung ở mới chung nhà.

Tinh thần có một linh quang điển,

Vật chất đừng chia rẽ sắc da.

Hiểu gốc hiểu căn là hiểu đạo,

Yêu thương nhơn loại ấy yêu Ta. *

Thời này, thời Tam Kỳ Phổ Độ, thời hội thông giữa tất cả tôn giáo, Thánh sử Lu-ca khi tháp tùng Chúa Ki-tô trở lại thế gian đã dạy: “Thánh rất mừng cho dân tộc Việt, tiến đến trình độ tinh thần đạo đức khá cao. Vậy mới xứng đáng là Đại Đạo của Trời Cha sáng lập. Không phân biệt màu da sắc tóc, tôn giáo phần hình thức, chỉ biết trọng một khối linh quang của Đức Chúa Trời. Như vậy là tất cả nhơn loại trên thế gian này đều là con chung của Đức Chúa Trời, không còn trong thành kiến tôn giáo hay một ranh giới quốc gia nào, chỉ lấy tinh thần có một mà thôi.” *

Cùng hôm ấy, Chúa Ki-tô lâm trần dạy:

Giê-su rất mừng cho dân tộc Việt Nam thấm nhuần Đại Đạo, ngày nay tiến đến cơ siêu thoát rất nhiều. Chẳng phải Thánh Đạo khi xưa của Giê-su không dạy những bí truyền. Tại vì lâu ngày chơn truyền sai lạc. Khi Ta giáng thế đúng tam thập niên[3] đến thọ pháp báp-têm với Jean Baptiste[4]. Giê-su phải tuyệt thực đúng bốn mươi ngày để khỏi bị ma quỷ cám dỗ. Biết bao điều đến làm cho Ta xiêu lòng ngả dạ nhưng nhờ Đức Cha Trời chiếu điển lành, Ta được trọn thân tâm mới đi ra truyền đạo. Mỗi lần Ta trắc ẩn điều nào thì Ta cũng đi nhập tịnh một lúc để tiếp điển mới hiểu thấu chơn truyền của Cha Ta chỉ giáo.

“Đến ngày hôm nay, nền Tiên Thiên với vai tuồng trọng trách nền Đại Đạo Cao Đài cứu thế buổi hạ nguơn cùng cuối. Chư môn đồ nữ nam muốn hữu dụng ngày tương lai thì phải cố công kềm tâm định tánh, tịnh luyện nguơn thần, trau sửa tâm thân cho thành một bộ máy tinh vi, hầu sau, ngày cùng cuối để Thiêng Liêng mượn xác hữu hình sử dụng ngày thanh quang tam nhựt. Ấy là ngày đại đồng phán xét thế gian đó.

Vậy cả môn đệ nam nữ coi chức vụ Thiêng Liêng là quan trọng, quyết chí tu phải rán thực hành, không nên thờ ơ với nhiệm vụ, phải thực hành cho đúng thì sau này mới được hữu dụng nghe mỗi môn đồ.” *

5. Đón Chúa Ki-tô, xin hãy dâng tâm trong sạch lên Người

Chúa Ki-tô đến, xin hãy dâng lên Người không phải chỉ lễ phẩm trang trọng mà với cả tấm lòng thánh khiết.

Từ thành La Mã bước sang đây,

Vật chất hữu hình lễ trọng thay!

Nhưng chẳng quý bằng tâm chánh đáng,

Giờ nay Ta giáng để phô bày. *

Hôm nay, ngày kỷ niệm Chúa Ki-tô giáng sinh: “Chúc tụng mọi người được đầy ân sủng của Chúa Giê-su.” (Khải Huyền 22: 21)

HUỆ Ý

[1] Những trích dẫn trên đây được đánh dấu * đều là thánh giáo trong đạo Cao Đài, tuy nhiên người viết không ghi rõ xuất xứ.

[2] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[3] Ba mươi tuổi.

[4] Gioan Tẩy Giả.

Không có nhận xét nào: