Thứ Ba, 1 tháng 1, 2008

ĐỨC GIÊ-SU TRONG TAM KỲ PHỔ ĐỘ

THIỆN HẠNH

Đức Giê-su Ki-tô giáng sinh hơn hai ngàn năm trước đây tại Giê-ru-sa-lem đã khắc ghi dấu ấn cứu độ vô cùng vĩ đại với hơn một tỷ môn đồ Thiên Chúa giáo khắp thế giới cho đến ngày hôm nay.

Đến đầu thế kỷ 20, cùng với sự ra đời của tôn giáo Cao Đài trên thánh địa Việt Nam do Đức Chúa Trời giáng trần khai mở, Đức Giê-su Ki-tô đã tái lâm qua huyền diệu cơ bút góp phần vào công cuộc phổ độ Kỳ Ba. Thiết tưởng việc ôn lại các thánh huấn của Đức Giê-su Ki-tô trong Tam Kỳ Phổ Độ, là một điều bổ ích và rất có ý nghĩa.

1. Đức Giê-su Ki-tô giáng sinh

Hơn hai ngàn năm trước đây, Đức Giê-su Ki-tô đã thọ nhận sứ mạng từ Đức Chúa Trời giáng sinh tại Bê-lem, thành Giê-ru-sa-lem. Ngay sau đó, Ngài được Cha-không-sinh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a dời đi Ai Cập để lánh nạn theo lời báo mộng của Đức Thánh Linh. Đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, Ngài được đưa về Ga-li-lê, thành Na-da-rét thuộc Ít-ra-en. Về sau, tại nơi này, Đức Giê-su Ki-tô đã thâu nhận mười hai vị môn đệ đầu tiên. Nhân dịp giáng điển tại Huờn Cung Đàn kỷ niệm giáng sinh năm Mậu Thân (1968)[1], Đức Giê-su Ki-tô đã kể lại một cách khái quát sự hạ trần của Ngài và việc thâu nhận mười hai vị môn đồ đầu tiên.

2. Đức Giê-su Ki-tô tái lâm

Lịch sử đạo Cao Đài đã khắc ghi một sự kiện vô cùng trọng đại đó là đêm Nô-en năm Ất Sửu (1925), Đức Chúa Trời tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát đã chính thức tuyên xưng hồng danh và thâu nhận tam vị gồm quý tiền bối Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc và Cao Hoài Sang làm môn đệ Cao Đài đầu tiên. Đức Cao Đài dạy:

Ngọc Hoàng Thượng Đế viết Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát giáo đạo Nam Phương.

Muôn kiếp có Ta nắm chủ quyền,

Vui lòng tu niệm hưởng ân Thiên,

Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế,

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên.

Đêm nay phải vui mừng vì là ngày Ta đã xuống trần dạy đạo bên Thái Tây (Europe). Ta rất vui lòng mà đặng thấy đệ tử kính mến Ta như vậy. (…) Bấy lâu, Thầy vẫn tá danh AĂÂ là cốt để dìu dắt các con vào đường đạo đức, hầu chẳng bao lâu đây, các con phải ra giúp Thầy mà khai Đạo.”

Đức Giê-su Ki-tô cũng chính là chơn thần của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần lập nên Thánh Đạo từ hơn hai ngàn năm trước. Ngày nay, Đức Giê-su Ki-tô trở lại trần gian, tạm mượn danh xưng là Cao Đài. Năm Kỷ Dậu (1969), Ngài dạy: “Da Tô Giáo Chủ, tá danh Cao Đài. Ta ban ân lành chung chư chúng sanh tông đồ. Kể từ ngày giá lâm đến nay gần hai ngàn năm tròn, thế hệ trải qua bao thời kỳ chuyển đạo, các tông đồ đã hết lòng chiêm bái, dẫu cho đạo quá xa xăm truyền đến. Giờ này khắp thế gian Âu Á đều ca tụng lễ mừng Ta.” [2]

Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế hay Đức Chúa Trời giáng lâm đến thánh địa Việt Nam để khai minh Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ nhằm phục hưng chơn truyền Tứ Giáo do các hàng giáo chủ, cũng là hóa thân của Đức Thượng Đế giáng trần lập đạo trong Nhị Kỳ Phổ Độ như Đức Thích Ca Mâu Ni, Đức Lão Tử, Đức Khổng Tử và Đức Giê-su Ki-tô. Đức Chúa Ki-tô xác tín rằng: “Trong Nhị Kỳ Phổ Độ thì Đức Thích Ca cùng Ta hay là Lão Tử, Khổng Tử cũng thế, đồng một nhiệm vụ chấn hưng chơn truyền phục hưng tôn giáo. Cũng như thời hạ nguơn này tôn giáo chơn truyền đều bị thất lạc, nên Đức Thượng Đế là Chúa Trời dùng huyền cơ diệu bút mà khai Đại Đạo cứu thế.” [3]

Các hàng giáo chủ đã đồng loạt giáng trần phò tá Đức Thượng Đế. Nhân dịp này, Đức Giê-su Ki-tô đã nhắc lại lời tiên tri trong Kinh Thánh về sự tái lâm của Ngài sau hai ngàn năm. Tuy nhiên, sự trở lại trần gian lần nầy không mang xác phàm như trong Nhị Kỳ Phổ Độ, mà được thị hiện qua cơ bút. Năm Giáp Thìn (1964), Đức Giê-su Ki-tô dạy: “Giờ kỷ niệm, hai ngàn năm sắp mãn, theo lời tiên đoán ngày xưa còn nêu rành Cựu Ước. Nay gợi lại để Thiên sứ, sứ đồ, gợi sưởi lòng ôn lại những điều tiên tri trên mặt luật. Vì trong hai ngàn năm, Ta sẽ tái lâm hạ thế, nhưng ngày nay Ta đến thế gian như kẻ trộm. Đó là điều tiên đoán ngàn xưa, nay nhắc lại để chứng minh cho đời biết. Cũng như bao con chiên Ta đã đón tiếp và chờ mong ngày xuất hiện, lòng man mác đương trông mỏi. Nhưng Ta đã đến thế gian từ bao giờ, lòng con chiên chưa nhận thức. Đó là vì màn bí mật trùm bao, luật Thiên điều hé màn cho biết. Nhưng đặc tính của con chiên vẫn còn đang tầm nơi không trung vị sứ thần xuất hiện, đang mong mỏi săn đuổi để đón rước Ta bằng tấm lòng tin tưởng, nhưng quên xem lại điều ghi sau những lời Cựu Ước. Đời mạt hạ, Ta hạ thế bằng linh điển để đem con người trở về đường hướng thiện để giải tỏa xích xiềng cho bản thân được thanh thỏa thân tâm, tu tầm vị cũ. Vì ngày Ta đến thế gian là ngày những tôi trai tớ gái đã nói những lời tiên tri như Ta hiện nay.” [4]

Do Đức Giê-su Ki-tô giáng lâm bằng thiên điển, vượt ngoài giới hạn suy tưởng của nhân loại vì đã không theo định lệ của ngày xưa. Do đó, không ai nhận biết được sự giáng lâm của Ngài. Đức Giê-su Ki-tô dạy: “Kìa đoàn chiên Ta đang tỏ lòng hiếu đạo, chờ đón sự xuất hiện của Ta ở lúc nguơn cùng thế tận. (…) Sự hiện diện của Ta chuyển qua giai đoạn tá danh nơi trần nào phải hình hài như Giê-su Do Thái, mà bằng linh điển rọi xuống khắp Nam bang.” [5]

Đức Giê-su Ki-tô đã đúc kết sự tái lâm giáng thế vào thời điểm hai ngàn năm như sau: “Giờ hai ngàn năm sắp cận kề vượt mức, bao nhiêu sự tin tưởng của tông đồ đã trút hết vào đây quyết cùng Ta tương hội để xây dựng lại thánh môn mà lời xưa còn lưu ký. Bao nhiêu điều lưu lại tuy hầu mãn pháp huyền nhưng lòng tin tưởng vô tận. Hiện thời chư tông đồ Ta đã đón tiếp Ta trong tinh thần trọng đại. Nhưng luật Thiên điều đã định, lời tiên đoán không sai. Vì Ta sẽ đến thế gian, mà ngày Ta đến như kẻ trộm, nào biết để đón tiếp hình Ta. Như thế, chư tông đồ vẫn miệt mài nhìn trên ảnh tượng để tưởng tượng vào tâm, trông nhìn nơi giữa cõi không trung để đón nhận hình hài Ta xuất hiện. Giờ, Ta đã đến từ lâu, vừa bán kỷ, dụng danh từ khác hẳn ban cho Nam bang tiểu quốc để xây dựng cảnh Thiên đàng. Đó là luật Thiên điều.” [6]

Đức Giê-su Ki-tô đã giáng lâm trong Tam Kỳ Phổ Độ bằng thiên điển qua huyền diệu cơ bút. Những dòng thánh huấn của Đức Giê-su Ki-tô truyền dạy chính là ngôi Lời của Ngài vậy: “Ta đến, Ta là Đấng cứu rỗi và là Người phán xét các con. Như vậy ngày xưa, Ta đến với các con Ít-ra-en lạc loài. Ta mang chân lý đến và làm tan biến vô minh. Các con hãy nghe Ta: Cơ bút, như trước kia là ngôi Lời của Ta.” [7]

Đức Giê-su Ki-tô cũng phán rằng:

Chơn Thần Thượng đế, ấy Cha Trời,

Khai Đạo kỳ Ba cứu độ đời,

Kinh Thánh tiên tri ghi chép rõ,

Ngày nay ứng hiện chẳng sai lời.[8]

3. Thực hành sự thương yêu

Đức Giê-su Ki-tô đã rao giảng về tình yêu thương, mà trước tiên là giữa con người với nhau. Tình yêu thương đó thể hiện một cách vô điều kiện, giống như tình thương của Đức Giê-su Ki-tô hay Đức Chúa Trời ban phát đồng đều đối với toàn thể con cái của Ngài. Điều này có nghĩa là sự thương yêu không đặt trên nền tảng các mối quan hệ riêng tư mà phải trải rộng khắp chúng sanh, thương cả những kẻ ghét mình. Ngày nay, Đức Giê-su Ki-tô nhắc lại lời dạy của Ngài khi xưa đã được ghi lại trong Kinh Thánh: “Đây Ta cũng nhắc lại những lời dạy của Ta khi xưa với các tông đồ rằng các con hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con vậy. Và các con hãy yêu thương những kẻ ghét các con và làm ơn cho những kẻ bắt bớ, vu cáo các con để xứng đáng là con của Cha trên trời, là Đấng đã làm cho mặt trời mọc, soi người lành người dữ, làm mưa xuống cho người công chánh và người tội lỗi.” [9]

Đức Giê-su Ki-tô nhấn mạnh rằng sự thương yêu không phải là biểu tượng để con người sùng kính và tôn thờ; mà sự thương yêu chính là nghĩa vụ và bổn phận của con người tại thế gian. Ngài dạy: “Ta muốn bảo thương yêu là cái gì thuần khiết, du lưu trong mọi thời không, trong mọi sự kiện, chớ không phải tôn ngôi thương yêu lên thần thánh cách biệt con người và vạn loại. Quả thật, Ta không bảo chư hiền hằng ngày bái lạy sự thương yêu mà không thực hành thương yêu.” [10]

Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Thượng Đế cũng không dạy điều gì khác hơn. Ngài dạy môn đệ Cao Đài không những phải thương yêu lẫn nhau mà còn phải thương yêu cả những kẻ ghét mình. Có như thế, chúng ta mới thực hành trọn vẹn sự thương yêu, mới xứng đáng là đứa con yêu quý của Ngài. Đức Thượng Đế dạy:

Thầy đã từng dạy các con: Thầy sanh trưởng bảo tồn các con. Thầy đến nước Việt Nam này mở Đạo dạy dỗ các con, Thầy không đòi hỏi các con phải làm những gì đem lại riêng tư cho Thầy. Thầy luôn luôn dạy các con phải thực hành đạo lý cho các con cái của Thầy, nghĩa là phải giác ngộ cho nhau, thương yêu dạy dỗ, đùm bọc cho nhau, bảo tồn cho nhau để cùng nhau được sống trong cảnh thái hòa, cùng hưởng hạnh phúc với nhau mãi mãi, chớ không được thù hằn ganh tị ghen ghét hại nhau rồi tự diệt nha! Vì các con là một trong vạn vật chúng sinh, mà vạn vật chúng sinh là bản thể của Đạo, mà bản thể của Đạo tức là bản thể của Thầy. Các con có thương nhau tức là các con đã thương Thầy. Nếu các con ghét nhau, chính là các con đã ghét Thầy, mà Thầy có bao giờ làm gì đến nỗi để các con ghét Thầy. Có phải vậy không các con? Thầy đã nói:

Thương nhau khác thể thương Thầy,

Ghét nhau khác thể ghét Thầy sao nên!

Các con ơi!

THI

Thương nhau, tặng vật hiến dâng Thầy,

Chẳng luận loài nào khắp đó đây.

Thương nhóm không quen nơi hướng Bắc,

Thương đoàn lạ mặt chốn phương Tây.

Dắt người đọa lạc về đường chánh,

Dẫn kẻ gian tà lại nẻo ngay.

Khôn dại ngu khờ lo tận độ,

Thương nhau, tặng vật hiến dâng Thầy.[11]

Yêu thương những người không có mối liên hệ với mình đã là một việc khó khăn, hà huống chi là thương những kẻ ghét mình, lại càng khó khăn gấp bội. Tuy nhiên, Đức Giê-su Ki-tô buộc chúng ta phải thực hành sự thương yêu không phân biệt, vì đây chính là tiền đề để xây dựng cõi thiên đàng tại thế gian.

4. Bí truyền của Thánh Đạo

Đức Giê-su Ki-tô đã nhắc lại bí truyền của Thánh Đạo trong thời kỳ truyền đạo hơn hai ngàn năm về trước. Đây chính là sự tuyệt thực để thanh tẩy trong thời gian bốn mươi ngày và thực hiện sự thông công tiếp điển giữa Ngài và Đức Chúa Trời. Chính sự lặng lẽ tịnh khiết nơi chỗ thâm sâu nhất của nội thể là nơi hội ngộ với Đức Chúa Trời. Khi ấy, Đức Giê-su Ki-tô chính là hiện thân của Đức Chúa Trời tại trần gian và Ngài đã thực hiện quyền năng và sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời nơi thế gian. Ngài xác tín như sau: “Chẳng phải Thánh Đạo khi xưa của Giê-su không dạy những bí truyền. Tại vì lâu ngày chơn truyền sai lạc. Khi Ta giáng thế đúng tam thập niên[12] đến thọ pháp báp-têm với Jean Baptiste[13]. Giê-su phải tuyệt thực đúng bốn mươi ngày để khỏi bị ma quỷ cám dỗ. Biết bao điều đến làm cho Ta xiêu lòng ngã dạ nhưng nhờ Đức Cha Trời chiếu điển lành, Ta được trọn thân tâm mới đi ra truyền đạo. Mỗi lần Ta trắc ẩn điều nào thì Ta cũng đi nhập tịnh một lúc để tiếp điển mới hiểu thấu chơn truyền của Cha Ta chỉ giáo.” [14]

Đức Giê-su Ki-tô cũng đã nhắc lại phần vô vi chơn đạo, hay là phần hình nhi thượng học của Thánh Đạo. Hình nhi hạ học nhắm đến việc xây dựng hội thánh và kiện toàn mục vụ để xây dựng cõi thiên đường nơi trần thế. Phần hình nhi thượng học chính là bí pháp tâm truyền nhằm giúp con người giải thoát tâm linh và phối kết cùng Thiên Chúa đời đời bất tử. Ngài dạy: “Về phần vô vi chơn đạo, từ khi sanh tiền, Ta có dạy các môn đồ Ta một lý huyền diệu khéo léo này: Là một khi Ta cùng tông đồ cỡi thuyền đi ra biển Ga-li-lê, Ta đang nằm mê man ngủ thì thuyền lại bị sóng gió ba đào sắp nhận chìm thuyền. Các tông đồ chừng ấy mới nhớ đến Ta, đánh thức Ta dậy. Ta liền bảo: ‘Biển sóng gió ôi, hãy lặng yên đi!’ Tức nhiên biển lặng tức thì. Lý ấy là tâm con người, như biển lòng, hễ gặp việc gì trở ngại như sóng gió ba đào cần phải giữ đức tin, đánh thức tâm linh, bảo biển lòng hãy lặng an thì mọi sự yên ổn vậy.” [15]

Đức Giê-su Ki-tô cũng không quên nhắc nhở người môn đệ Cao Đài cần phải trau luyện tâm linh, công phu thiền định nhằm trở thành một bộ máy chí linh để Đức Thượng Đế có thể bố hóa sử dụng trong công việc cứu độ chúng sanh trong kỳ mạt kiếp. Đức Giê-su Ki-tô dạy: “Đến ngày hôm nay, (…) nền Đại Đạo Cao Đài cứu thế buổi hạ nguơn cùng cuối thì chư môn đồ nữ nam muốn hữu dụng ngày tương lai thì phải cố công kềm tâm định tánh, tịnh luyện nguơn thần, trau sửa bản thân cho thành một bộ máy tinh vi. Hầu sau, ngày cùng cuối để Thiêng Liêng mượn xác hữu hình sử dụng ngày bình quang tam nhựt. Ấy là ngày Đại Đồng phán xét thế gian đó.” [16]

5. Vạn giáo đồng nhứt lý

Nhân một dịp giáng điển tại Huờn Cung Đàn năm Bính Ngọ (1966), qua bài thi xưng danh, Đức Giê-su Ki-tô khẳng định Tứ Giáo gồm: Phật Giáo, Lão Giáo, Nho Giáo và Ki-tô Giáo (hay Da Tô Giáo) đều cùng chung một nguồn gốc, một xuất phát điểm. Tứ Giáo nói riêng, vạn giáo nói chung đều cùng phát sinh từ một nguyên lý tuyệt đối, tạm gọi là Đạo hay Đại Đạo. Ngài dạy:

Thích, Nho, DA, Lão vẫn đồng nguyên,

Chung sức TÔ nên đạo thống truyền,

Hoằng hóa GIÁO dân tin chánh pháp,

Tự cường CHỦ động gội ân Thiên.[17]

Do Tứ giáo hay vạn giáo đều cùng chung một điểm khởi nguyên là Đạo, đều xuất phát từ Đức Thượng Đế; thì lẽ tất nhiên vạn giáo cũng sẽ trở về chỗ qui nguyên là Đạo, là Thượng Đế hay Đức Chúa Trời vậy. Trong bài thi xưng danh khác, Đức Giê-su Ki-tô xác nhận:

Thích, Nho, DA, Lão một đường về,

Chánh tín TÔ bồi thoát muội mê,

Độ thế GIÁO dân tùy mỗi xứ,

Một trời CHỦ tể khắp tư bề.[18]

Đức Thượng Đế đã tùy theo trình độ dân trí và phong tục của mỗi quốc gia giáng trần thông qua các bậc giáo chủ lập nên tôn giáo trên hoàn cầu để cứu độ chúng sanh. Do đó, hình thức của các tôn giáo tất yếu sẽ rất khác biệt với nhau tùy theo nền văn hóa và tập quán của từng quốc gia. Tất cả đều là phương tiện để đưa chúng sanh từ bờ mê sang bến giác mà thôi.

Đức Giê-su Ki-tô dạy:

Về hình thức thì sao cũng khác,

Nhưng tinh thần chẳng lạc sai đâu;

Phận Ta giáng thế trời Âu,

Thích Ca bổn phận độ thâu Ấn, Hồi.

Lão và Khổng Tử rồi phận sự,

Châu Á truyền đạo tự tiên Nho;

Thế gian ai cũng qua đò,

Sang bờ giác ngạn lần dò đi lên.[19]

Hình thức bên ngoài của các tôn giáo cho dù có muôn vàn sai khác, nhưng phần cốt lõi về nội dung bên trong vẫn không hề có sự dị biệt, mà luôn nhất quán với nhau. Đó chính là đạo lý luôn trường tồn bất biến từ vô thỉ đến vô chung. Đức Giê-su Ki-tô đã khái quát chỗ nhứt lý đó của các tôn giáo như sau:

Trong Tam Giáo lý trao như một,

Thánh công bình là hột giống thương,

Tiên thì bác ái tứ phương,

Phật thường chuyên luyện con đuờng từ bi.

Suy cho kỹ đều y mục đích,

Tùy mỗi nơi khuyến khích môn đồ,

Nhà lành nẻo chánh lần vô,

Xa điều ác ý điểm tô tâm hiền.

Mắt trần tục thấy riêng giáo chủ,

Nhưng tinh thần gồm đủ phương châm,

Hầu gieo giống tốt nảy mầm,

Đem hoa trổ quả cho năm châu nhờ.[20]

6. Sứ mạng dân tộc được chọn

Đức Giê-su Ki-tô cùng với các bậc giáo chủ đều là hiện thân của Đức Thượng Đế, thực hiện sứ mạng giáng trần mở Đạo trong Nhị Kỳ Phổ Độ. Đây có thể gọi là thời kỳ phóng phát của Đạo, hay còn gọi là “Nhất bổn tán vạn thù”. Đến Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Giê-su Ki-tô cùng với các hàng giáo chủ tái lâm phò tá Đức Thượng Đế hay Đức Chúa Trời để thực hiện cơ quy nguyên của Đạo, hay còn gọi là “vạn thù quy nhứt bổn”. Tất cả các tôn giáo trên hoàn cầu đều phục hưng chơn truyền để cùng trở về bến khởi nguyên hầu thực hiện cứu cánh cho nhân loại.

Đức Giê-su Ki-tô dạy: “Giờ đây gần đến ngày kỷ niệm, tông đồ, sứ đồ khắp nền Âu Á đều ca tụng danh Ta. Đó là lòng hiếu đạo của các ngươi dâng lên. Nhưng thời kỳ chuyển biến trước kia khai nền tôn giáo, Phật Tông, Thánh Chúa, bao dòng tôn giáo hợp thành Đại Đạo. Kỳ hạ nguơn phối hợp tất cả bao nền tôn giáo, khai nền Đại Đạo.” [21]

Đức Giê-su Ki-tô đã vinh danh Đức Chúa Trời, mà trong Tam Kỳ Phổ Độ đã tạm mượn danh xưng là Cao Đài Thượng Đế để khai minh nền Đại Đạo tại thánh địa Việt Nam nhằm tận độ nhân loại trong thời hạ nguơn mạt kiếp:

Cha Ta vốn chơn thần Thượng Đế,

Cha Ta là chúa tể càn khôn,

Cha Ta là Đấng Chí Tôn,

Là Đại Từ Phụ bảo tồn nhơn sanh.

Đức Chúa Trời tá danh cứu thế,

Danh Cao Đài Ngọc Đế kỳ Ba,

Việt Nam hạnh ngộ Đạo nhà,

Hoàn cầu vạn quốc nhìn Cha là Thầy.[22]

Đức Giê-su Ki-tô đã chiếu điển quang cho biết tiền căn của các môn đệ Cao Đài trước kia đều là môn đệ của Tứ Giáo, và không ít người đã từng là môn đệ của Ngài, của Ki-tô Giáo. Thiết tưởng, đây cũng là một điều hãnh diện vậy. Ngài dạy: “Quả thật vậy, tất cả môn đồ nam nữ tu trong Đại Đạo hiện nay là những môn đồ ở nhiều tiền kiếp có tu trong Tứ Giáo cả thảy. Như hiện diện đàn trung nam nữ đây có một phần đông tiền kiếp ở trong tôn giáo của Ta vậy.” [23]

Ngoài ra, Đức Giê-su Ki-tô đã vinh danh dân tộc Việt Nam được Đức Thượng Đế chọn để phó giao sứ mạng trọng đại trong Tam Kỳ Phổ Độ. Ngài nhấn mạnh đây không phải là sứ mạng của “người vun phân”, mà là của “người gieo giống”:

“Hỡi dân tộc được chọn! Hỡi dân tộc được thương yêu! (…)

“Một hân hạnh lớn lao, một hãnh diện to tát, chư hiền được đem ra từ một dân tộc của một quốc gia trong muôn vàn quốc gia mà Đại Từ Phụ điểm nhuận. Trách vụ cam go chỉ giao cho người chí khí.

(…)

“Hỡi chư hiền của dân tộc được chọn! Sứ mạng mà chư hiền được Chí Tôn giao phó, không phải là người vun phân, mà là người gieo giống. Sự quan trọng không phải những điều kiện khởi phát mà là mầm khởi phát.” [24]

Đức Giê-su Ki-tô cũng đã nhắc nhở dân tộc được chọn cần ý thức về sứ mạng của người chăn chiên trong mùa đông đầy giá rét. Ngài ân cần truyền dạy những đức tánh cần thiết của người chăn chiên, đó là hiền từ và khôn ngoan. Hiền từ để thể hiện tình thương và bảo bọc, khôn ngoan để vượt qua cám dỗ và thử thách. Sự nhứt tâm và đoàn kết chính là chìa khóa vạn năng để hoàn thành sứ mạng của dân tộc được chọn vậy.

“Sứ mạng của kẻ chăn chiên trong mùa đông là canh chừng. Phải hiền từ hơn tất cả kẻ hiền từ, phải khôn ngoan hơn tất cả sự khôn ngoan. Cái lạnh lùng nó ru ngủ con người trong mê dại để rồi đi vào cõi chết. Chỉ có những kẻ tỉnh mới thoát khỏi quyến rũ của giá lạnh đêm đông.

“Kìa đàn chó sói đói khát đang rình rập chư hiền và đàn chiên trong mọi lối. Hãy cố gắng lên! Lấy sức mạnh của người được đặt để, đem dũng cảm của người dọn đường mà hành đạo.

“Chư hiền nên lưu ý: Sứ mạng vẫn là sứ mạng. Kẻ được chọn vẫn là được chọn. Nên lấy quá khứ để làm đà tiến, đem hiện tại để làm phương tiện, lấy tương lai làm cứu cánh. Càng bão tố phũ phàng, càng biểu dương tinh thần của kẻ vững lèo vững lái. Sự nhứt tâm trong sứ mạng, sự đoàn kết trong thực hành sẽ giúp chư hiền vượt qua muôn ngàn thử thách.” [25]

Sứ mạng của dân tộc được chọn tuy rất vinh quang nhưng không kém phần trọng đại và gian khổ. Do đó, một thiểu số hướng đạo khó thể đảm đương, mà cần phải có thật nhiều bàn tay và khối óc chia sớt trọng nhiệm mới có thể gặt hái được sự thành công trong sứ mạng. Đức Giê-su Ki-tô dạy: “Cái sứ mạng trọng đại này, cái quyền pháp vinh hạnh này, chư hướng đạo đã chịu ơn Trời, đảm đương công vụ, hầu thay gánh cho Chí Tôn ở dưới cõi này. Làm sao đây? Đạo lớn lao thì trách nhiệm cũng quá chừng to tát. Đâu phải một người làm xong, mà cần hiệp sức nhau, chia sớt nhau, để cùng lo cùng tính. Kẻ trong người ngoài, nơi nào cũng có mặt con nguời hướng đạo, hầu nói lên cái tôn chỉ dung hòa bình đẳng, hầu mọi người, mọi nơi được nhận định nguồn gốc là Đạo.” [26]

*

Đức Giê-su Ki-tô đã giáng sinh vào một mùa đông giá rét tại Do Thái hơn hai ngàn năm về trước để cứu độ và chuộc tội cho nhân loại. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Giê-su Ki-tô lại tái lâm cũng trong mùa đông buốt lạnh để góp tay cùng Đức Thượng Đế hay Đức Chúa Trời khai minh Đại Đạo tại thánh địa Việt Nam.

Ta đến với một mùa Đông đầy giá rét,

Để hy sinh cứu rỗi cho nhân loài,

Ta lại đến trong cơn lửa bỏng dầu sôi,

Để cất tiếng từng hồi, gọi đàn chiên lạc lõng.

Chúa Cứu Thế muôn đời còn mãi sống,

Sống muôn đời và sống mãi muôn đời,

Việt Nam ơi! Hồng Lạc ơi!

Đấng Thượng Đế, Đức Cao Đài đang ngự trị.[27]

Đức Giê-su Ki-tô khuyên chúng ta phải tuân lời giáo huấn của Đức Chúa Trời hay Đức Cao Đài Thượng Đế, vì đó chính là lẽ thật sẽ dẫn đến sự sống đời đời. Ngài dạy: “Toàn thể thế giới đồng đón rước Ta trong ngày giáng sinh. Ta rất lấy làm cảm kích tấm lòng ngưỡng mộ ấy, song Ta khuyên tất cả nhơn loài nên vì Ta, vì sự tưởng nhớ đến Ta mà nên nghe lời Cha Ta – Đức Giê-hô-va hay Cao Đài Thượng Đế đã truyền dạy từ muôn thuở đến bây giờ. Bởi cớ Ngài là chủ tể lẽ thật. Ta thừa lịnh Ngài tuyên bố lẽ thật cho loài người tiếp lấy trên sự sống của cuộc đời, đó là Ta gần gũi chư hiền, nhơn loại mãi mãi.” [28]

Cũng tại thánh thất Bàu Sen ba mươi lăm năm về trước, vào đêm giáng sinh năm Tân Hợi (1971), Đức Giê-su Ki-tô đã ban ơn lành cho các môn đệ Cao Đài: “Ta sẽ gặp lại chư sứ mạng, chư hiền nam nữ trong muôn thuở của Đại Đạo. Ta ban ân chung toàn thể những đạo tâm lớn bé, ban ân tất cả con người biết tin kính nơi Ta trong đêm nay và mãi mãi, trong lúc bình an và những lúc loạn ly. Mong cho tất cả nhận được sự bình an thật nơi Chúa Trời.[29]

THIỆN HẠNH

Đông Chí 2006


[1] Huờn Cung Đàn, 06-11 Mậu Thân (25-12-1968).

[2] Huờn Cung Đàn, 17-11 Kỷ Dậu (25-12-1969).

[3] Tiên Thiên Minh Đức, 21-11 Giáp Thìn (24-12-1964).

[4] Huờn Cung Đàn, 02-12 Quý Sửu (25-12-1973).

[5] Huờn Cung Đàn, 27-11 Canh Tuất (25-12-1970).

[6] Huờn Cung Đàn, 20-11 Nhâm Tý (25-12-1972).

[7] Đức Giê-su Ki-tô, 05-8 Bính Dần (11-9-1926).

[8] Tiên Thiên Thánh Huấn, Q. 3, tr. 25, Tòa Thánh Châu Minh, 14-11 Mậu Tuất (24-12-1958).

[9] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão (24-12-1963).

[10] Thánh thất Bàu Sen, 17-11 Kỷ Dậu (25-12-1969).

[11] Hội Thánh Hậu Giang, 14-07 Kỷ Dậu (26-08-1969).

[12] Ba mươi tuổi.

[13] Gioan Tẩy Giả.

[14] Tiên Thiên Thánh Huấn, Q. 3, tr. 25, Tòa Thánh Châu Minh, 14-11 Mậu Tuất (24-12-1958).

[15] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão (24-12-1963).

[16] Tiên Thiên Thánh Huấn Q. 3, trang 25, TT Châu Minh, 14-11 Mậu Tuất (24-12-1958).

[17] Hườn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ (25-12-1966).

[18] Huờn Cung Đàn, 03-12 Ất Tỵ (25-12-1965).

[19] Huờn Cung Đàn, 17-11 Tân Sửu (24-12-1961).

[20] Huờn Cung Đàn, 17-11 Tân Sửu (24-12-1961).

[21] Huờn Cung Đàn, 14-10 Tân Hợi (01-12-1971).

[22] Huờn Cung Đàn, 26-11 Kỷ Hợi (25-12-1959).

[23] Tòa Thánh Tiên Thiên, 09-11 Quý Mão (24-12-1963).

[24] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[25] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[26] Huờn Cung Đàn, 15-11 Bính Ngọ (25-12-1966).

[27] Thánh thất Bàu Sen, 23-11 Đinh Mùi (24-12-1967).

[28] Thánh thất Bàu Sen, 17-11 Kỷ Dậu (25-12-1969).

[29] Thánh thất Bàu Sen, 07-11 Tân Hợi (24-12-1971).

Không có nhận xét nào: